THƠ: NGƯỜI KHÁCH LẠ

       
          Cộng đoàn kính mến. Xin giới thiệu một bài thơ của Tác giả Thùy Dương (Bút danh khác là Nâu Thùy). Rất cám ơn Tác giả đã quan tâm gởi bài vở cho Blog chúng ta. Cũng mong được đón nhận thêm bài của Thùy Dương nói riêng và của nhiều Tác giả khác, mà đến giờ vẫn còn ngần ngại chưa lộ diện.


NGƯỜI KHÁCH LẠ (Lc 24,13-35)
 
Nắng đã tắt, về Em-mau dấn bước
Đường thêm xa trong tâm tưởng rối bời...
Khách lạ nào? Từ đâu đã đến chơi?
Không hay biết việc tày trời trong xứ?

Ông Giê-su đây vốn là Ngôn sứ
Rất uy danh trong lời nói việc làm.
Thế mà Người phải chịu án đóng đinh
Chết nhục nhã bằng khổ hình thập giá.

Nhưng chuyện này mới thật là kỳ lạ:
Người chị em báo :" Chúa sống lại rồi!"
Người anh em đã vội vã đến nơi
Cũng thấy thế, và: Xác Người đã mất...
 
Sao chậm tin vào những lời chân thật
Các ngôn sứ thuở xưa đã loan truyền:
Đấng Kitô sẽ phải chịu khổ hình
Rồi sau đó mới hiển vinh rạng rỡ...
 
Ngày sắp tàn, xin dừng chân nghỉ đỡ
Dùng bữa chiều thanh đạm với chúng tôi.
Bánh cầm tay, Khách chúc tụng dâng lời,
Rồi bẻ bánh trao cho người đối diện...

Môn đệ bỗng thấy Thầy mình tỏ hiện!
Thờ lạy Chúa! Đấng Phục Sinh vinh hiển!
Xin cho con nhận ra Chúa mỗi ngày
Nơi Lời Ngài, nơi Thánh Thể nhiệm thay
Nơi mọi việc, mọi người con gặp gỡ!
                                 
                                                  Maria Nâu Thuỳ
           
                                            *****************************************

Ý NGHĨA HUY HIỆU NĂM THÁNH KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT


        Cộng đoàn kính mến. Xin giới thiệu một bài viết của Tác giả Thùy Dương về ý nghĩa của huy hiệu Năm Thánh Kính Lòng Thương Xót. Cám ơn Tác Giả đã sưu tầm và biên soạn.
              
                          Ý NGHĨA HUY HIỆU 
          NĂM THÁNH KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT
 

         Cùng với khẩu hiệu “Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6, 36), huy hiệu Năm Thánh là một tổng luận thần học về lòng thương xót, do Linh mục dòng Tên, Cha Marko I. Rupknik S.I sáng tác.
         Huy hiệu trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai, theo hình ảnh rất được Giáo Hội sơ khai quí chuộng, diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể (Thiên tính và nhân tính) đến chỗ hoàn thành bằng công trình cứu chuộc (Những dấu đinh trên hai tay và hai chân).
        Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đã chạm đến thân xác con người một cách sâu xa, với tình thương yêu đến độ thay đổi tận gốc cuộc sống của con người. Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử Nhân Lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người: Chúa Kitô nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Adam và Adam nhìn bằng đôi mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Adam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha.
        Cảnh tượng trên đây được đặt bên trong hào quang bầu dục màu xanh, đây là hình ảnh rất được quí chuộng theo lối họa hình đạo thời thượng cổ và trung cổ, nhắc nhớ sự đồng hiện diện của hai bản tính: Thiên tính và nhân tính, trong Chúa Kitô. Ba hình bầu dục đồng qui của hào quang, với màu dần dần sáng hơn khi tiến ra vòng ngoài, gợi lên tác động của Chúa Kitô đưa con người ra khỏi đêm đen của tội lỗi và sự chết. Đàng khác, màu đậm hơn ở bên trong cũng diễn tả tính chất khôn lường của tình thương Chúa Cha, Đấng tha thứ mọi sự.

                                                St Maria Nguyễn Thị Thuỳ Dương


                               
                            ***********************