NGHỆ THUẬT NGHE VÀ NÓI





                             Vĩnh Biệt vì Ba Không Lắng Nghe Con

Thực tế mới làm người viết nhớ lại truyện cũ vì đã kể ở trong sách và ở nhiều lần chia sẻ.  Đó là ông Thương rất thương con, thương vợ, thương gia đình, thương mọi người. Nhưng ông rất khó thương vì ông chỉ thương theo cách của ông. Câu thường xuyên ông gắt lên trong gia đình là: “Vợ con mà không thương thì thương người hàng xóm à? Nhưng nước có luật thì nhà này cũng phải có luật.” Ông nói đúng nhưng làm sai, vì “luật” là vợ con phải nghe ông chứ ông không nghe vợ con. Khi hội họp việc chung, ông Thương cũng nói cùng chiều: “Cứ nghe tôi là mọi việc đều xong.” Đa số liếc mắt “đá lông nheo” làm hiệu để ông muốn nói gì thì nói, vì khi thỏa mãn tự ái rồi thì ông giúp đỡ tiền bạc rất hậu.
Trong các con của ông Thương, người khi nhỏ ông thương hơn cả lại là người khi lớn ông ghét hơn cả.  Đó là anh Tâm. Ông Thương không nghe Tâm, mà Tâm cũng không nghe ba. Cha con Thương&Tâm cư xử với nhau tương tự chuyện này: Vua cha băng hà, và vua con lên kế vị. Bàn dân tưởng vua cha làm thế nào thì vua con cũng làm thế, nhưng vua con đảo ngược. Điều cha ra lệnh làm thì con ra lệnh bỏ, còn điều bỏ thì làm. Vua con tự bênh vực mình: Trẫm làm giống như vua cha, vì cha không nghe ai mà bàn dân phải nghe cha, thì trẫm cũng không nghe ai, mà ai cũng phải nghe trẫm.”
 

Cách cư xử trong nhà ông Thương cũng “truyền ngôi” như vậy, vì ông la gắt và các con cũng la gắt giống ông. Cao điểm của đời sống một chiều chủ quan, của con tự ái giống bố, của không ai nghe ai, chính là cái chết thật thương tâm. Đó là một tối nọ, anh Tâm cầm chìa khóa xe ra cửa. Ông Thương quát: “Liệu hồn về đúng giờ. 11 giờ mà chưa về thì chết với tao.” Anh Tâm mặt vênh vểnh giống như ông Thương cũng vểnh mặt nhìn con. Bốn mắt giao nhau không để tỏ tình thương nhau, mà để thách thức. Nửa đêm anh chưa về; khi về thì gần một giờ sáng. Ông Thương cầm sẵn cái cán lau nhà, vừa phang vào người Tâm vừa hét: “Mày không nghe tao hả. Không nghe này… Không nghe này…” Mỗi tiếng hét “không nghe” là mỗi cái quật. Tâm hét lại: “Ba nghe con nói… Nghe con… Nghe…” Vừa hét vừa đỡ đòn, rồi chạy xốc vào phòng. Sau vài giây, Tâm đạp phăng cửa, ra sừng sổ to hơn nữa: “Ba nghe… Nghe con…” Ông Thương giơ cái gậy thẳng cánh: “Nghe này… Nghe…” Tâm cúi đầu tránh kịp, chạy biến vào trong phòng. Sập cửa “rầm.” Nhà yên lặng. Cái yên lặng rợn người giữa nửa đêm về sáng. Yên lặng ngột ngạt. Yên lặng chết người. Rồi thình lình có tiếng nổ chát chúa. Ông Thương sấn sổ muốn nhẩy vào phòng Tâm, nhưng cửa khóa. Khi cậy được cửa thì Tâm ngấp ngỏai trên vũng máu, mắt trợn trừng. Ông Thương xốc con lên đúng lúc con thì thào “Ba không nghe con…” Ông quát “mày không về đúng giờ thì chết với tao” và con đã chết trên tay ông.
Thương con thì có mà hiểu con thì không
Không ai lắng nghe ai
Ba không lắng nghe con
Con không lắng nghe ba
Nên con chết trên tay ba.
Khi hòan hồn, ông Thương nhìn xung quanh thì thấy cây súng lục của ông nằm lăn trên vũng máu còn nóng hổi. Tâm dùng ngay súng của ba để bắn chết mình. Bên cạnh là tờ giấy nguệch ngọac hang chữ: “Vĩnh biệt ba vì ba không lắng nghe con.”
Ông Bush gây ra chiến tranh Iraq phải chăng vì không lắng nghe quốc hội, không lắng nghe triệu triệu tiếng nói? Quân khủng bố gây ra những khủng bố rợn rùng, phải chăng vì người lãnh đạo độc tài lừa lọc, không tạo cho dân lành nghe theo tiếng lương tâm, mà đánh lạc lương tâm họ, bằng cách nhồi sọ “Cứ ôm thuốc nổ đi. Chết xong là có bốn trinh nữ chờ sẵn...” Nhiều đòan thể, người có trách nhiệm, và nhiều người cha, người mẹ cũng đánh lạc lương tâm mình và lương tâm người nghe bằng những lý luận, hoặc những hứa hẹn mơ hồ, mộng tưởng, nửa thật nửa giả, nên cũng tạo ra những hậu quả thương tâm như cha con ông Thương & Tâm.
Muốn nghe thì cần có người nói.
      Trừ người thánh hay người điên, còn người bình thường dễ sợ hãi, không dám ở trong nghĩa địa, vì các người trong nghĩa địa không nói; mà nếu người chết nào từ trong mồ chui ra để nói thì người sống lại càng sợ, hú hồn.
      Vì vậy ai im ỉm không nói, thì xác còn sống nhưng con tim giá lạnh như đã chết. Người sống cần sống gần thân xác còn nói chứ không gần thân xác bất động, rữa thối trong nghĩa địa.
      Còn ai nói châm chọc, cay đắng, nói gian dối, vu khống, nói dựng chuyện, rỉ tai, v.v., thì đặt người nghe vào ổ kiến lửa; bị châm chọc, đau đớn. Con người cần tránh đau đớn, nhất là đau đớn đời sau, nên cần xa tránh, không nói vu khống, xuyên tạc. Nhất là tránh cố ý xuyên tạc.
      Vợ chồng bỏ nhau, con bỏ nhà, bạn hữu bỏ nhau, thường là do phải sống với người có miệng cũng thừa, vì miệng để nói mà không nói; hoặc do phải sống với người thừa miệng, vì nói thừa thãi, độc địa. Người miệng thừa hay người thừa miệng đều xô đẩy người gần mình vào cảnh nghĩa địa hoặc cảnh kiến lửa. 
Và đa số  chỉ muốn nói khi có người nghe. Nói mà không cần ai nghe thì đó là nói nhảm, nói điên, trừ trường hợp “nói với mình” trong khoa chữa bệnh tâm lý. Đây là cách mình nói cho mình nghe được tiếng mình để thấy được tâm tính của mình, thấy con người thật của mình. Như vậy trong cách tự nói để chữa tâm bệnh này vốn có người nghe, đó là mình. Tưởng sẽ trở lại chủ đề này trong một bài khác.
      Có người nghe lơ đãng, nghe “để ngòai tai,” nghe vô hồn, nghe khách sáo, nghe xã giao, v.v. Nghe mà không chú ý, không nghe “hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” thì không đem lại nhẹ nhàng thỏai mái cho người nói.
      Thà lắng nghe trong 5 phút hay 15 phút, còn hơn bị hờn giận trong 5 giờ, 5 ngày, có khi 5 tuần. Và như ba Thương và con là Tâm, vì thiếu lắng nghe nên đưa tới cái chết thương tâm!
Có khi chỉ  cần lắng nghe mà không cần cho ý kiến, không cần giúp giải pháp, vì người nói biết giải pháp rồi. Nói vì có nhu cầu nói, chứ không có nhu cầu tìm giải pháp. Đa số chỉ cần chú ý lắng nghe là đã giải tỏa cõi lòng. Như khi vợ hay chồng bị căng thẳng trong sở làm, trong hội đòan, trong việc buôn bán thương mại, hoặc trong việc bị tán tỉnh trăng hoa. Lúc đó mà mở miệng khuyên bảo, nhất là mở miệng ghen tương, thì đúng là ghen. Là mất trí vì ghen. Lúc đó chỉ cần dịu dàng lắng nghe. Ân cần lắng nghe. Vừa nghe vừa nhìn chăm chú. Yêu thương. Gật đầu. Lắc đầu; v.v., thế là người nói cảm thấy nhẹ bẫng như tơ hồng. Tình yêu sẽ chung thủy trọn đời, đời đời, “Giữ Được Vợ” như anh Vọng nhờ biết lắng nghe tích cực.
Tuy nhiên, nếu người nói có giới hạn thì người nghe còn có  giới hạn hơn nữa, nên không thể nghe hòai. Do đó người nói và người nghe đều cần cố gắng, cần cầu nguyện, để “nói ngắn hơn” và “nghe dài hơn.” Chẳng hạn, nếu nói thỏa thích thì cần nói liên tục trong vài giờ. Nhưng vì biết người nghe không chú ý hòai được, và còn nhiều việc khác chứ không phải chỉ có một việc nghe mình nói, nên cố gắng rút gọn, nói trong 20 phút, hoặc tối đa là nửa giờ.
      Muốn nói ngắn thì hãy tưởng tượng như mình đang phải bỏ thời giờ ra để chú ý nghe chính những điều mình nói. Trong văn phòng tâm lý, có lọai chỉ ngồi để nghe nên con bệnh nói lâu bao nhiêu cũng được, nhưng phải trả  “công nghe,” có khi 300 đôla một giờ.
      Còn người nghe chưa đầy 5 phút đã muốn chặn họng, cắt ngang, ngáp dài, vươn vai, bẻ tay, nhìn giờ, v.v., thì cần nguyện tắt trong lòng: “Giêsu, Maria, Giuse. Con mến yêu. Xin cho con nhẫn nại, lắng nghe ít là 30 phút mà không cần khuyên bảo.”
      Nói mà nói ngắn, nghe mà nghe dài thuộc hàng nhân  đức. Không mến Chúa và yêu người chân thật thì  khó mà “nói ngắn, nghe dài.” Vì bác  ái nên cần tránh là gánh nặng cho người nghe vì  nói dài; và tránh là gánh nặng cho người nói vì nghe lơ đễnh.
Có khi chỉ  cần “nghe” bằng sự hiện diện, và  đây là việc tông đồ, thuộc hàng “Mục Vụ  Hiện Diện.” Sự chú ý, mắt nhìn, thái  độ ân cần, cử chỉ kính trọng, tòan thân tỏ ra sự quan tâm săn sóc, “ít lời nhiều lòng,”  đó là điều cần thiết và mang lại kết quả tốt trong đám tang, cũng như trong đám cưới, đám ăn sinh nhật, kể cả đám cãi nhau.
Nhân đức lắng nghe cần đi đôi với nhân đức giữ  kín đáo điều mình nghe. Gọi là nhân đức vì nếu biết kiên nhẫn lắng nghe và biết giữa kín đáo vì bác ái thì được an vui đời này và được Thiên Đàng đời sau. Kinh Thánh ghi nhận sự lắng nghe kín đáo này “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lk. 2: 19); hoặc “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng” (Lk. 2: 51). Nghe mà nói ra thì dễ làm cho người nói bị chạm tự ái, bị mất danh dự. Và làm cho mình bị mất tín nhiệm; bị tiếng là nông nổi, trống miệng.
Nghe hoặc lắng nghe là điều khẩn thiết đến mức Thượng Đế cũng nói và nghe. Kinh Thánh ghi Lời của Giêsu Vua Tình Yêu: “Lạy Cha, nếu đó là ý Cha thì xin cất chén này khỏi con, nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha được thể hiện” (Lk. 22: 42); hoặc “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nghe con. Con biết rằng Cha luôn nghe con…” (Jn. 11: 41); v.v. 
Kết lại trong một câu là “Nói ít, Nghe nhiều.” Nếu ông Thương biết “Nói ít, Nghe nhiều” thì hẳn đã tránh được cái chết thương tâm của con, đã không phải đọc mẩu giấy bê bết trong vũng máu “Vĩnh biệt vì ba không lắng nghe con.”◙ 
                                                              LM Phêrô Chu Quang Minh, S.j.
                                                Gio-an Nguyễn Huy Hoàng sưu tầm và gởi đăng
               (Kính xin Cha Phê-rô cho con được trích đăng khi chưa gặp Cha để xin phép)

HẠNH PHÚC HIỆN TẠI






HNH PHÚC HIN TI



Có không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, từ bao nhiêu năm cứ để mặc tình trạng “khắc khẩu”, tình trạng “xung khắc” bất hòa giữa hai vợ chồng kéo dài năm này tháng nọ. Họ không buồn bỏ một chút thì giờ để tìm hiểu lý do của sự khắc khẩu, sự nghịch ý và tìm cách khắc phục để gia đình có một đời sống hạnh phúc, an vui.
Họ không ý thức được rằng, hạnh phúc có sẵn trong hiện tại, trên con đường chúng ta đang đi…
 
Chỉ một việc chúng ta được sống độc lập, nghĩa là có thể thấy, nghe, đi, đứng, ăn uống, không bệnh hoạn, có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở và được bình yên đã là một hạnh phúc vô cùng trong đời, mà ít người ý thức, vì người ta cứ mải mê theo đuổi những mộng tưởng xa xôi, thả hình bắt bóng.
Nếu tuần nào không bận rộn với những sinh hoạt cộng đồng, hai vợ chồng tôi đi ăn nhậu tiệc tùng ở nhà bạn bè, sẽ có dịp nghe các bà, sau khi ăn no kéo nhau ra phòng khách, đem ông chồng yêu quý của mình ra tố khổ.
Câu chuyện của chị Hồng làm tôi suy nghĩ rất nhiều, từ câu chuyện đó tôi suy ra một triết lý… sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.
Chị Hồng kể, chị với hai con qua Mỹ mấy mẹ con vất vả lúc đầu nhưng dần dần đã tạo được cuộc sống tốt đẹp. Chị mua được một cái nhà hàng nho nhỏ và các con đã ăn học nên người. Hơn mười năm sau ông chồng sang Mỹ. Trong thời gian xa cách hơn một chục năm đó hai người đã hoàn toàn thay đổi. Chị Hồng đã quen đời sống Tây phương, tháo vát, lanh lợi, còn ông chồng, sức khỏe yếu kém,  ông rất chậm chạp, có thể nói là cù lần so với bà vợ.
Tinh thần chị Hồng luôn bị căng thẳng, lo âu vì việc làm ăn buôn bán, cạnh tranh, lại thêm thân xác quá mệt mỏi vì làm việc nhiều giờ ở nhà hàng nên lúc nào chị cũng cau có, gắt gỏng như bệnh thần kinh hay xì-nẹc vô lý, càng làm cho ông chồng thêm buồn tủi thân phận sống bám vào vợ.
Một hôm ông chồng bệnh, bảo chị Hồng rót cho một ly sữa. Chị càu nhàu: - Thì ông đi lấy đi, còn đi được, chưa bệnh nặng mà.
Ông chồng đổ quạu: " tôi bệnh bà biết không?
Chị Hồng với tay lấy ly nước trà chị đang uống, đổ sửa vô rồi đem lại cho ông chồng. Chị dằn mạnh cái ly lên bàn nói “uống đi”, rồi quay lưng đi.
Ông chồng nổi giận bắt đầu to tiếng: - Bà đã đi quá mức của một người vợ, không coi chồng ra gì!.
Chị Hồng trả lời lại: - “Bây giờ bình quyền rồi, không có chuyện chồng chúa vợ tôi. Ai cũng phải làm việc để kiếm sống, không ai hầu ai cả”.
Chị lằng nhằng không dứt lời.
Ông chồng thấy cái gì màu đen giống con ruồi trong ly sữa, ông la lên: - Bà cho tôi uống sữa với ruồi, bà biết không?
Chị Hồng bình thản đáp: - Thì vớt nó ra. Hồi xưa, đang ăn phở con ruồi bay rớt vô tô phở mình vớt bỏ đi, rồi ăn tiếp có sao đâu.
Ông chồng nổi cơn, nhắc lại đủ thứ chuyện buồn phiền chất chứa trong lòng bấy lâu nay. Ông chồng chưa dứt lời thì bà vợ phản pháo ngay bằng những lời lẽ thật đanh đá. Cả hai trao đổi nhau những câu nói chanh chua, độc ác cho hả giận.
Trong cơn nóng giận đó, họ không có thì giờ suy nghĩ, cân nhắc từng lời nói, nên những lời lẽ thật tàn nhẫn, độc địa được bắn thẳng vào tai, vào tim hai người và đã để lại nhiều vết thương không hàn gắn được.
Không dằn được cơn giận, anh chồng nói: ”Không thể tiếp tục được nữa, phải ly dị”.
Bà vợ trả lời ngay: - Càng sớm càng tốt, bỏ ông ra tôi dư sức lấy một chục thằng hơn ông.
Ông chồng không chịu thua nói: - Phen này ông về quê, ông lấy gái còn trinh chứ không lấy bà già ó đâm như bà .
Chị Hồng chạy vội ra xe : - Tôi đi tới văn phòng luật sư ký giấy ly dị ngay bây giờ đây.
Tại văn phòng luật sư, chị Hồng gọi điện thoại về cho hay luật sư đòi phải đặt trước hai ngàn đô và không trả lại nếu sau này họ đổi ý không muốn ly dị. Ông chồng đồng ý ngay, rồi buồn bã đứng dậy bước lại bồn rửa chén, đổ ly sữa. Bên cửa sổ có ánh sáng, anh chồng mới thấy miếng đen trong ly sữa là lá trà trong ly chị Hồng đã uống. Thì ra cả hai vợ chồng cãi nhau rùm beng, làm mất đi một buổi sáng đẹp trời chỉ vì xớn xác thấy lá trà mà tưởng là con ruồi. Anh chồng ân hận cho sự nóng nảy của mình. Không phải hai vợ chồng chỉ mất đi một buổi sáng đẹp trời mà mất luôn hai ngàn đô, đấy là may nếu không thấy lá trà thì họ đã ly dị, gia đình ly tan, con cái buồn khổ, chỉ vì nóng nảy, lầm lẫn. Lúc nóng giận đầu óc người ta không sáng suốt, nói nặng không tiếc lời.
Hai vợ chồng tiếp tục sống chung, ăn chung, ngủ chung nhưng không hạnh phúc, không ai nhường nhịn ai. Ai cũng có cái “ngã” quá to, tự cho mình đúng rồi rống họng cãi, mạt sát lẫn nhau. Họ để mặc cho tình trạng khắc khẩu kéo dài vì tin là tuổi của họ xung khắc, số con chuột, con mèo, con rắn, con heo gì đó… tứ hành xung, vì tình nghĩa không ly dị, nhưng không thể sống thuận hòa, hạnh phúc với nhau được.
Một hôm có một người khách đến ăn ở nhà hàng đưa cho chị Hồng xem hình họ vừa xây một căn nhà rất khang trang bốn từng lầu tuyệt đẹp ở quê nhà mà tốn có bảy chục ngàn mỹ kim. Chị Hồng cầm cái hình ngắm tới ngắm lui thích quá, muốn về  xây một căn như vậy cho cha mẹ ở bây giờ và một ngày nào đó về hưu hai vợ chồng về quê, thì có căn nhà tiện nghi. Ở đây chắc con cái sẽ bỏ cha mẹ vô viện dưỡng lão, thêm buồn tủi.
Thế là chị Hồng tự ý bay về quê hương hai tháng để tận mắt trông coi việc xây cất căn nhà theo ý chị muốn. Trước khi đi chị dặn dò mấy đứa con, coi chừng ba, đừng để ổng đi nhậu nhẹt, gặp gỡ bà này bà nọ lúc mẹ vắng nhà. Hai đứa con nghe lời mẹ, để ý canh chừng ông già. Ông chẳng đi đâu cả, buổi tối sau khi đóng cửa nhà hàng về ông ngồi gõ lóc cóc trên keyboard computer đến quá nửa đêm, “chat” với mấy cô gái muốn lấy chồng Việt Kiều. Chỉ trong vòng hai tháng là tình nồng say đắm nẩy nở giữa chồng chị và cô gái tuổi đáng con . Câu chuyện tình ảo trên net đã thúc đẩy anh chồng quyết về Quê hương một chuyến để gặp người tình trong mộng, trên net.
Khi chị Hồng trở về Mỹ, hí hửng với mấy cái hình căn nhà khang trang ở quê hương thì ông chồng chị quyết liệt đòi về để xem tận mắt căn nhà. Cố nhiên chị Hồng không cho ông ta về một mình, cho chồng về một mình rất nguy hiểm, dễ bị các cô gái tơ  quyến rũ. Nhưng nay với tình yêu thúc đẩy ông chồng chị Hồng quyết “quật khởi” , không chịu đựng sự chỉ huy, theo ý kiến của vợ nữa. Chị Hồng giận lẫy, cảnh cáo là khi ông trở về thì ông cuốn quần áo ra khỏi nhà. Ly dị. Ông chồng nghĩ bụng “càng tốt”.
Khi về tới, việc đầu tiên là anh chồng đi tìm gặp người tình trên net.
Trời ơi! Hình trên net thì cô ta đẹp và duyên dáng, còn trên thực tế thì xấu ơi là xấu và qua nhiều câu chuyện thì anh chồng thấy rõ là cô này “bắt địa”, moi móc tiền Việt kiều hơn là có tình yêu chân thật. Cô này muốn đi Mỹ với bất cứ giá nào, chuyện sống hạnh phúc hay không thì hạ hồi phân giải, còn ly dị cũng không sao, miễn được đi Mỹ. Ông chồng thất vọng, lo ngại, tiếc công xúc tép nuôi cò, không biết cò ở với ông được bao lâu mà trước mắt là phải hy sinh bà vợ già... Sau vài lần gặp gỡ anh chồng quyết ở lại với vợ “ta về ta tắm ao ta” cho chắc ăn.
Từ đấy ngày nào anh ta cũng o bế đưa ông bà già vợ đi ăn , đi chơi, như một thằng rể có hiếu. Chị Hồng ở nhà lục lạo hết phòng này tới tủ nọ cố tìm một chứng tích để hiểu vì sao ông nhất quyết đòi về, phải có một động cơ nào đó thúc đẩy ông ta mới quyết liệt như vậy.
Moi móc hết quần áo ở mọi góc kẹt, chị mới thấy một hộp bánh biscuit được gói kỹ, tim chị đập mạnh, hội hộp mở ra từ từ, trong đó có một cuốn sổ tay nhỏ và một xấp thơ cũ giấy đã bạc màu. Chị mở cuốn sổ nhỏ ra đọc mới biết đó là quyển nhật ký, ông chồng viết rất ngắn gọn những tâm tình thật buồn tủi về cuộc đổi đời, bây giờ không còn uy quyền của một cấp chỉ huy, một người chồng, người cha trong gia đình… Ông ghi lại sự chịu đựng, chấp nhận cuộc sống hiện tại, nhất là nỗi buồn tủi phải sống bám vào vợ, vì tuổi đã lớn không thể làm lại từ đầu…
Đọc tới đây chị Hồng thấy cảm động ứa nước mắt, bây giờ chị mới cảm thông, thương xót, tội nghiệp chồng.. Từ trước tới giờ mỗi lần nổi cơn là chị la cho hả giận, chứ không hề nghĩ tới tinh thần ông chồng đã bị khủng hoảng trước cuộc đổi đời, và chị cũng không biết giọng nói thường nhật vô tình của chị đã làm chạm tự ái ông chồng rất nhiều, đã để lại trong tâm thức ông nhiều đau thương, buồn tủi không tả được.
Chị Hồng bỏ cuốn nhật ký xuống, đọc tiếp xấp thư, thì ra đây là những cái thư chị đã gởi cho anh chồng từ lúc hai người mới yêu nhau. Chị thật xúc động khi thấy anh chồng vẫn còn giữ kỹ những kỷ vật này.
Chị đọc cái thư thứ nhất, có những lời lẽ thật ngọt ngào, nũng nịu dễ thương "anh dễ ghét ghê! Anh biết là xa anh em nhớ anh thấy mồ không? Lần sau hễ em gọi điện thoại, dù anh bận đến đâu anh cũng phải gọi lại liền, nếu không em sẽ bắt đền…” Kèm theo thư là cái hình chị lúc 18 tuổi. Trời lúc đó mặt mũi xinh ghê, đã xinh đẹp còn ngọt ngào nữa chẳng trách ông chồng trồng cây si, đòi làm đám cưới sớm. Cái thư có ép hoa pensée nữa, tình thuở ấy thiệt là thơ mộng.
Chị Hồng với tay lấy cái gương trên bàn, soi lại mặt mình bây giờ…hỡi ơi, năm tháng đã để lại trên mặt chị nhiều nếp nhăn, đã già nua mà lúc xì-nẹc chị còn cau có, chẳng trách sao bây giờ chồng muốn thương mà thương không vô.
Chị Hồng đọc tiếp cái thư thứ hai, cái nào cũng có kèm theo một cái hình rất xinh, hồi đó có bao nhiêu tiền mấy cô gái cũng đem đổ cho máy tiệm chụp hình ăn.
Trong thư chị viết: “ Em nhớ buổi chiều mình dạo chơi trong công viên, trời bắt đầu mưa nhẹ hạt, anh ôm, che mưa cho em, trong vòng tay thương yêu của anh, em cảm thấy thật ấm êm, hạnh phúc. Em mong vòng tay thương yêu này che chở em mãi suốt cuộc đời…” .
Chị Hồng nhớ lại …mới cách đây mấy hôm, hai vợ chồng lái xe khi trời tuyết. Nhìn những bông tuyết rơi
nhẹ càng thú vị hơn mưa rơi nhiều, nhưng bây giờ già hay quạu bậy, đường trơn trợt , ông chồng ghì chặt tay lái, trong lúc chị càu nhàu:
- Ông lái xe kiểu gì kỳ cục vậy, sang “lane” sao không ra signal, hồi nãy bảo đi đường trong ông không chịu, ông đi đường ngoài bây giờ không nhớ đường. Tôi nói với ông hoài, lên xe thì phải coi bản đồ trước, định hướng, bây giờ sắp trễ chuyến bay mà còn lần quần không biết đường, khổ không?.
Ông chồng cự lại: - Bà giỏi bà lái đi!
- Tôi không lái xe được trên xa lộ, trời tuyết.
- Không lái được thì im đi để người ta lái. Đã lạc đường còn nghe cằn nhằn có bực không?
Cái thư thứ ba cũng có lời lẽ nồng nàn tha thiết lắm.
-Em mong khi mình về sống với nhau rồi, mỗi đêm em sẽ đưa anh vào “rose garden”
(vườn hồng) thật thơ mộng.
Thực tế bây giờ cứ mỗi lần ông chồng lại gần thì chị nhăn nhó: - Mệt quá đi thôi! làm việc đầu tắt mặt tối cả ngày mà tới giờ này ông còn bắt làm thêm job đêm!
Ông chồng chịu đấm ăn xôi, choàng tay qua ôm vợ.
Chợt nhớ tới mấy cái bills, chị Hồng hỏi :
-Cái bill nước anh trả chưa, nếu để trễ là họ cúp nước cho mà coi.
Nghe cúp nước ông chồng hoảng quá, tuột xuống giường đi tìm cái bill coi đã trả chưa.
Vừa trở lại đặt lưng xuống giường nằm thì chị Hồng nói, đã nhắc anh bỏ vô băng IRA hai ngàn để được trừ thuế, anh bỏ chưa?. Cái máng xối rớt tòn teng cả tháng nay, chừng nào anh mới sửa?
Ông chồng kêu trời: - Trời ơi! sao cứ tới giờ tôi leo lên giường nằm cạnh bà, bà hỏi đủ thứ chuyện như vầy, làm sao hứng nổi, thôi bỏ mẹ nó qua hết đi, tính sau…
Xếp lại xấp thư cũ, chị Hồng ưu tư nghĩ đến hai chữ “vô thường”, quả thật vạn vật luôn đổi thay. Từ một cô gái xinh đẹp hiền dịu nay trở thành bà già xấu xí, hay gắt gỏng, khó thương. Ngày này qua ngày khác chị đã quá bận rộn chạy đua với cuộc sống đến nỗi không có thì giờ dừng lại để suy nghĩ, tìm hiểu coi mình đã sống như thế nào? Mình đã sống với ý thức hiện hữu và sống hạnh phúc trong từng phút, từng giây hiện tại?
Vì cuộc sống quá bận rộn, bon chen để cung ứng những nhu cầu, tiện nghi vật chất, rõ ràng là chị đã đánh mất quá nhiều hạnh phúc hiện tại của mình cho những vọng tưởng điên đảo, được, mất, hơn , thua, vinh, nhục, buồn, giận, thương, ghét. Khoắc khoải trong âu lo, toan tính, sân hận , thù oán, trong nuối tiếc ký ức, trong ước vọng tương lai và ngay cả giờ phút này chị cũng đang lao chao vọng động…sự bất an có mặt thường trực trong đời sống tinh thần, tâm linh của chị.
Chỉ những giây phút thật lắng đọng tâm tư như thế này chị mới thấy thương chồng và ân hận về cách cư xử tồi tệ với chồng. Ngày hôm sau chị quyết định làm mới lại cuộc tình bằng cách sẽ sửa đổi để được dễ thương như ngày xưa. Chị đi chợ mua cho chồng vài cái cà vạt, vài đôi vớ, quần áo mới, rồi gói lại cẩn thận trong giấy kiếng màu thật đẹp, như gói quà Giáng sinh. Chị dự định khi chồng  về chị sẽ bịt mắt anh chồng lại, đem quà ra bày một bàn rồi mở mắt anh ta ra cho xem, chắc chắn là anh ta sẽ rất vui mừng và hạnh phúc trước sự đổi mới này .
Trong lúc chị đang quyết tâm làm mới lại cuộc đời thì có người bạn rủ chị đi dự lớp thiền ở chùa gần nhà, chị nhận lời đi ngay. Ở thiền đường, các thiền sinh ngồi thành một vòng tròn. Bên cạnh thầy, tất cả cùng thư thả uống trà và bàn chuyện đạo (trà đàm) và nghe pháp thoại, có lúc cùng nhau hát những bài thiền ca, để ý thức sự sống nhiệm mầu trong giờ phút hiện tại, vui như trẻ thơ. Trong môi trường trong sáng này, chị cảm thấy như đã thoát vòng tục lụy, bước vào niết bàn ở thế gian. Chưa bao giờ chị có được cảm giác an lạc thanh thản, tâm hồn rộng mở, tha thứ, bao dung, vui tươi, hồn nhiên như vậy.
Thầy giảng về sự “cảm ơn” và “ái ngữ”. Trong lúc lắng nghe chị nhìn xuống như để thấm thấu hết những lời giảng vàng ngọc của thầy. Suy nghĩ kỹ lại thì chị chưa bao giờ nói lời cảm ơn chồng và con cái, mà chính thực chị đã mang ơn họ rất nhiều. Chồng là người đầu gối, tay ấp đã chia xẻ với chị biết bao nhiêu khổ cực, buồn vui của cuộc sống. Chị cũng chẳng có để ý tới hai chữ “ái ngữ” là những lời nói êm đẹp, đem lại hạnh phúc cho nhau. Từ trước tới giờ hễ nổi cơn lên là chị nói, chị nói bất cứ cái gì vụt hiện ra trong óc, nói cho hả giận, không cân nhắc, đắn đo hậu quả gì cả.
Càng nghe thầy giảng chị càng ân hận cho những gì mình đã nói, đã làm một cách vô minh từ trước tới giờ. Tối hôm đó, chị gọi điện thoại cho chồng với những lời lẽ rất ngọt ngào, êm dịu, chị dặn dò anh chồng cứ vui chơi bên nhà, khi về thì nhớ mua cho chị mấy thức ăn như khô cá thiều, khô lan phòng, mứt me…chị thực sự nôn nóng mong cho mau qua một tuần để đón chồng về. Cuộc đời của hai người từ nay sẽ đổi khác, sẽ không còn khắc khẩu , xung khắc như trước nữa.
Hai ngày sau, đứa cháu  gọi điện thoại qua cho hay chồng chị bị “Nhồi máu cơ tim” trong lúc tắm biển với mấy cháu và tắt thở trên đường đưa tới bệnh viện cấp cứu. Chị vội vã bay về Quê nhà , cố nhiên chị đem theo những món quà đã gói trong giấy kiếng thật đẹp. Lúc tẩn liệm, chị đã liệm theo quan tài những món quà này với thật nhiều nước mắt…đã muộn rồi!.
Ai cũng biết đời là vô thường, hãy sống trọn vẹn những giờ phút hiện tại, biết là biết vậy nhưng người ta cứ để cho đời trôi lãng, để cho biết bao phiền muộn cứ hòa quyện theo tâm hồn ta trong mỗi phút giây. Có một lúc nào đó dừng lại, thử hỏi, chúng ta đã bỏ biết bao nhiêu sinh lực, công sức để có được một tình yêu như ý, một danh vọng như ý, một tài sản như ý và rằng chúng ta thực sự đã sống với cái “như ý” đó một cách hạnh phúc không? Rõ ràng là chúng ta vẫn còn nhiều phiền muộn và cay đắng mà phần lớn là bởi bám víu, dính mắc với “cái tôi”, “ cái của tôi”, và cái tự ngã của tôi”. Đó là chưa kể cái tâm thức đang bị thiêu đốt bởi những khao khát, ước mơ và lo âu …
Để thoát ly mọi phiền não, để xa lìa mọi mộng tưởng, đảo điên, cuồng si, chúng ta hãy tập sống buông xả , “không phân biệt”. Hãy ý thức mình đang sống, trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân, hãy an trú vững chắc trong hiện tại - sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây.

                                                                             Trích CTTTHNGĐ
                                             Minh Thuy Linh sưu tầm và gởi đăng






THẬP ĐẠI BỊNH






                                                             THẬP ĐẠI BỊNH  

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998) 



                                                          Giới thiệu
      Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.
      Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn.
       Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?
      Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

 
1. Bệnh quá khứ cục bộ
Bệnh này thể hiện qua tâm trạng chỉ nhớ và khen cái quá khứ của mình mà thôi và đóng khung lại trong đó. Tôi  thỉnh thoảng gặp giáo dân và ai cũng hớn hở tâm sự: “Thưa cha, chúng con thấy sung sướng nhất là thời còn Đức khâm sứ . Chúng con đi rước kiệu đầy đường phố, quanh cả bờ hồ Hoàn Kiếm, và thấy Đức khâm sứ quỳ trên chiếc xe, tay cầm Mình Thánh Chúa, mặt ngài sáng láng đỏ hồng như mặt trời. Không biết bao giờ chúng con mới trở lại được như thời kỳ có Đức khâm sứ!”. Ta không quên quá khứ, vì đó là bài học kinh nghiệm, nhưng ta không dừng lại đó, ta nhìn tương lai để xây dựng còn đẹp hơn xưa.

Bà con chỉ sống trong quá khứ, mong trở về quá khứ. Mà thời gian thì bao giờ quay trở lại !

Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều anh chị em tới một tuổi nào đó. Chén thù chén tạc bên nhau than thở: “Biết bao giờ bọn mình trở lại được thời xưa. Mọi thứ rẻ mạt. Lương tháng mấy nghìn. Một tạ gạo giá chỉ mấy trăm bạc. Sướng thiệt !”.

Ta đang ở năm 1998, làm sao mà lùi lại 1960 được !

Do vậy mà chúng ta đâm ra thiển cận. Thay vì nhìn tới thì lại nhìn lui. Giống như người lái xe, không nhìn đằng trước mà cứ chăm chăm vào kính chiếu hậu để ngắm xe sau. Vậy làm sao mà tiến được.

Mà dù thế nào thì mình vẫn phải sống. Quá khứ không bao giờ trở lại. Và thời gian thì cứ tiến mãi.

Nhìn lại gương Chúa Giêsu. Từ trời cao xuống thế, Ngài cứ nhắm tới, một mạch đi tới và cứ nói: “Thầy sẽ lên thành Giêrusalem chịu nạn”. Ngài dư biết cuộc tử nạn sẽ rất đau đớn, nhưng vẫn đi tới, chấp nhận. Bởi qua cái đau khổ đó con người được cứu độ.

Cũng vậy, nếu chúng ta muốn cho Đất nước và Giáo hội mình tiến, thì phải nhìn về tương lai. Không quên quá khứ, vì đó là bài học cho tương lai. Nhưng đừng có viễn mơ lui lại quá khứ.

Mỗi người, mỗi thời đại đều có cái hay, cái đẹp. Phải làm sao biết khai triển cái hay cái đẹp đó cho hiện tại đang sống, chứ đứng đó mà than thở tiếc nuối thì ích gì ! Nhìn quá khứ để tạ ơn Chúa, để sám hối. Nhìn hiện tại để hăng say phục vụ với trách nhiệm – Nhìn tương lai với hy vọng.

2. Bệnh tiêu cực bi quan

Những người mang bệnh này cứ chỉ trích kinh niên. Khi nào cũng có chuyện để chỉ trích.

Bệnh chỉ trích phát sinh từ lòng ích kỷ hoặc kiêu căng. Một biểu hiện song hành của bệnh này là người chỉ trích thường hay thiếu tự tin.

Người tiêu cực cái gì cũng chỉ trích. Nhưng khi được yêu cầu đưa đề nghị thì “để xem đã”, hoặc có ai đưa ra đề nghị gì thì lại lắc đầu “không làm nổi đâu” !

Người tiêu cực thì bất cứ một cơ hội nào cũng là một tai họa cho mình (for the pessimists every opportunity is a calamity). Trái lại, người lạc quan thì bất cứ tai họa nào cũng là một cơ hội cho mình (for the optimists every calamity is an opportunity).

Người ta kể câu chuyện: Một công ty lớn gởi hai đại diện sang một nước Phi châu để nghiên cứu thị trường tiêu thụ giày dép. Trở về điều trần, một vị lắc đầu: Thưa quý vị, không có cách gì tiêu thụ được; người dân ở đó chỉ đi chân đất, có ai đi giày dép đâu ! Trong khi đó vị kia lại hớn hở: Thưa quý vị, chuyến này chúng ta thắng lớn; cả một lục địa mênh mông chưa có ai có giày dép để đi cả !

Người tích cực thì lạc quan. Kẻ tiêu cực bi quan. Tùy theo cách nhìn mà vấn đề nẩy sinh. Người Pháp nói: Đừng trách rằng tối; tối là vì mình không chịu thắp đèn lên thôi ! Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “Đừng sợ”, vì ta tin vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, ta tin con người có thiện chí, ta tin vào mình có Chúa giúp.

3. Bệnh phô trương chiến thắng

Làm gì cũng chỉ nhắm chuyện phô trương là chính. Bệnh này tiếng pháp gọi là triomphalisme; người Mỹ cũng có từ ngữ show up.

Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, nhiều chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ xa lơ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về !Hãy cai chứng bệnh phô trương ,vì cái chiều
sâu thực sự ít ai quan tâm. Ta bảo sáng danh Chúa, nhưng xét cho kỹ Chúa mấy phần trăm, ta mấy phần trăm?

Có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Người ta hiểu, nhưng đồng thời người ta cũng có tự ái. Càng huyênh hoang, càng làm cho người ta ghét. Mà thành công đâu phải do mình tài giỏi gì. Nhưng mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, Cộng đoàn hiêp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự.

4. Bệnh cá nhân chủ nghĩa

Các nhà phân tích cho hay người Âu châu bị bệnh này nặng hơn. Nhưng mình cũng không kém. Thời đại này đâu đâu cũng nghe người ta hô hào đoàn kết (Solidarité). Mà xem ra càng hô hào đoàn kết chừng nào, thì bệnh cá nhân lại nặng chừng nấy !

Biểu hiện của bệnh này: Mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ. Mình chiếm độc quyền, ngay cả độc quyền thờ Chúa, độc quyền yêu Nước. Không muốn ai chia sẻ với mình, vì sợ người ta hơn. Người ta không tiếp tay với mình thì trách. Nhưng khi tiếp tay thì lại chỉ muốn họ đứng sau lưng mình mà thôi.

Cá nhân chủ nghĩa phát sinh từ lòng ích kỷ. Kính Chúa, yêu người thực chất là vì mình, vì lợi cho mình chứ chẳng phải vì Chúa vì người gì cả.

Người ta kể chuyện vui: Một số Hồng y và Giám mục ngồi ăn cơm chung với Đức Thánh Cha. Có mấy vị hỏi ngài: Thưa ĐTC, nghe nói có bí mật Fatima, ĐTC có thể nói cho chúng con nghe được không. ĐTC bảo: Bí mật mà, nói sao được. Nghe thế các ngài càng tha thiết: ĐTC đừng sợ, chúng con cam đoan sẽ dấu rất kỹ, không hở miệng. Sau năm lần bảy lượt nghe năn nỉ, ĐTC mỉm cười trả lời: Đức Mẹ Fatima bảo rằng đóng cửa Đức Mẹ Lộ-Đức lại !

Câu chuyện khôi hài này muốn nói lên cái cá nhân chủ nghĩa của con người ngày nay. Đức Mẹ Fatima sợ Đức Mẹ Lộ Đức nổi tiếng hơn và do đó khách hành hương đến viếng đông hơn nên đề nghị dẹp Lộ-Đức.

Chẳng đâu xa xôi. Quanh ta cũng không thiếu thí dụ. Hai nhà thờ cạnh nhau, chuông bên này kêu thì bên kia phải làm sao để kêu hơn. Câu chuyện nầy có thật. Một giáo xứ xin Đức cha cho một quả chuông. Về đánh lên thì bà con giáo xứ bên cạnh sốt ruột khó chịu, liền cùng nhau kéo xin phép đổi một quả chuông lớn hơn. Khệ nệ mang về, đánh lên thì ai nấy thất vọng. Tưởng chuông lớn hơn thì tiếng phải hay hơn. Ai dè âm thanh của chuông thường đã được định chuẩn sẵn; theo nốt nhạc, cái chuông mới trùng một nốt nhạc với chuông cũ!

Trong Giáo hội có một điểm quan trọng, đó là tính đa diện (Pluralité). Giáo hội không đòi hỏi phải đồng bộ, nhưng trân trọng nét cá biệt của mỗi giáo hội địa phương. Khác nhau hầu bổ túc cho nhau, chứ không phải để rồi tôi đi đường tôi anh đi đường anh.

5. Bệnh lười biếng tránh né

Triệu chứng của bệnh này là sợ tốn sức tốn của, sợ liên lụy, a dua: ai mạnh thì hùa theo. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lý do để che đậy cái hèn nhát và lười biếng của mình. Giữa đại hội thì phát biểu thật hùng hồn, lúc phân việc thì lẩn đâu mất.



Chuyện kể hai nhà thông thái nọ muốn tìm hiểu xem thành phố Rôma có mấy người làm việc. Họ bắt đầu bằng một chuỗi phân tách loại trừ. Trước tiên trừ đi con số trẻ em chưa đến tuổi làm việc, đến số người bệnh tật, số người ở tù, rồi số dân biểu nghị sĩ quanh năm suốt tháng chỉ cãi nhau và dơ tay bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, số người làm nghề phê bình đá bóng… Cứ thế mà trừ, kỳ cùng chỉ còn lại hai người làm việc, đó là hai nhà thông thái. Nhưng rồi một ông lên tiếng ngay: tôi từ nãy giờ tính toán quá mệt rồi, nên chi tôi bầu anh làm việc tiếp để tôi nghỉ !

Để xây dựng cộng đoàn có trăm công ngàn việc. Việc gì cũng đáng làm. Chẳng cần phải ngồi ghế lãnh đạo mới là làm việc. Việc nào cũng có thể nên thánh, miễn là làm cho tới nơi tới chốn.

Khi ở Dublin một tháng để học hỏi về Đạo binh Đức Mẹ tôi may mắn được gặp người sáng lập, ông Frank Duff. Tôi háo hức, tưởng sẽ diện kiến một nhân vật quốc tế tiếng tăm; người mà các Hồng y, Giám mục khắp nơi đều phải ngồi nghe. Nhưng không ngờ, ông chỉ là một cụ già đưa thư. Hàng ngày khiêm tốn đạp chiếc xe cọc cạch ra bưu điện mang thư về cơ quan, bỏ vào hộp thư của gần một ngàn chi nhánh Đạo binh ở Dublin. Ngưởi ta nói công việc của ông bây giờ chỉ có thế; có tuổi rồi không còn giữ vai trò quan trọng nào nữa; nhưng khi ai cần ý kiến thì ông sẵn sàng đóng góp và hướng dẫn giải quyết.

Đấy, công việc đưa thư hèn mọn có làm giảm tư cách con người đâu!

6. Bệnh chuẩn mực trần tục

Lấy tinh thần, não trạng trần tục làm chuẩn mực cho cuộc sống mình. Làm việc Chúa, nhưng không theo tinh thần Phúc Âm mà lại dùng tiêu chuẩn hoàn toàn trần tục để chuẩn định. Người công giáo kiểu đó thường hay trở thành công giáo tùy thời: Thịnh thì công giáo, suy thì chối. Công giáo vụ lợi: Có mùi vật chất thì tới, không thì miễn. Công giáo danh dự: Chỉ siêng năng xuất hiện khi có lễ lạc được mời lên ghế danh dự, không thì biệt tăm chẳng bao giờ thấy.

Nhiều khi chẳng phải là bản chất, chẳng tội lỗi gì, nhưng là vì mình đua đòi. Chính đua đòi này làm cho cuộc đời khổ sở. Sang đây thấy người ta có xe đẹp, nhà rộng; mình đua đòi muốn hơn người nên phải nô lệ cho công việc, cả nhà làm việc quá mức.

Và chuẩn mực trần thế thường được căn cứ theo báo chí, truyền thanh truyền hình. Báo bảo cái gì hay là hay, cái gì số đông theo là tốt…mặc dù những cái đó không hợp với lương tâm.

Năm ngoái tôi ghé Na Uy tới thăm một bà giáo sư giữ một ghế thứ trưởng trong nội các. Na Uy đa số theo Tin lành và Giáo hội này, như tại các nước Tin lành khác, phải tùy thuộc thế quyền. Bà phàn nàn: nguy quá cha ơi, Giáo hội chúng tôi đang sa lầy trong vòng kềm toả dư luận. Chính phủ ra lệnh cho Giáo hội; Quốc hội ra lệnh (bằng đạo luật) cho chính phủ; mà
đạo luật thì lại hình thành do áp lực dư luận truyền thông; vừa rồi chính phủ mới cách chức hai mục sư vì họ chống lại việc phá thai!

Một số cơ quan truyền thông chửi bới Đức Giáo hoàng, kết ngài vào tội thiếu thực tế, thiếu tiến bộ. Nhưng khi Đức Giáo hoàng đến với giới trẻ thì hàng triệu anh chị em trẻ lại tuôn đến với ngài. Tất cả chỉ vì ngài là người dám nói lên sự thật, bất chấp dư luận. Tuổi trẻ hôm nay đang bị chao đảo trong một thế giới khủng hoảng niềm tin và giá trị. Nên chi họ cần
người tín cẩn dám nói thẳng cho họ đâu là điều đúng, đâu là sai. Cái khó và nguy hiểm của ngày hôm nay là người ta phạm tội, nhưng lại bắt cả nhà nước và Giáo hội coi đó là nhân đức. Chẳng hạn như chuyện đồng tính luyến ái. Dư luận đang bắt mọi giới phải xem đó là chuyện hợp luân thường đạo lý. Giáo hội thương cảm, nhưng Giáo hội cần nói sự thật. Đức Thánh cha nói: “không cần ai bỏ phiếu cho sự thật” vì sự thật vẫn là sự thật.

7. Bệnh đợi chờ phép lạ

Cứ chờ cứ đợi người khác, mà bản thân mình chả chịu làm gì. Mình có làm thì Chúa mới giúp được chứ. Chúa sinh ra mình không cần hỏi ý mình, nhưng để cứu mình Ngài phải cần đến sự cộng tác của ta.

Có bà suốt ngày cầu với Chúa: Con bao nhiêu ngày tháng hy sinh cho cộng đoàn. Nấu cơm, nấu chè, hết việc này đến chuyện nọ. Đâu cũng có mặt. Giúp ngày không đủ tranh thủ giúp đêm giúp thêm giờ nghỉ ! Con chỉ xin Chúa có một điều, vậy mà Chúa không chịu đoái nghe. – Chứ con xin điều gì ? – Dạ xin Chúa cho con trúng vé số, chỉ cần trúng một lần độc đắc thôi ! – Ừ mà Chúa cũng đang đợi bà đây ! – Dạ Chúa đợi gì con đây ? – Thì Ta đang đợi bà mua vé số !

Trong một vụ lụt xe cứu thương rảo khắp phố phường kêu gọi người dân rời nhà di chuyển lên nơi cao để tránh nước lũ. Ông bố của một gia đình bảo với con cháu: Tụi bây đứa nào đi thì đi, còn tao không đi; tin tưởng phó thác vào Chúa thì sao Ngài bỏ rơi được. Nước lũ tới, dâng cao. Ghe cấp cứu lại kêu gào tản cư gấp. Ông già kê bàn kê ghế leo lên rồi giục: Mẹ con
bây đi thì đi nhanh lên, tao không. Nước tiếp tục dâng cao, ông già leo lên mái nhà ngồi. Máy bay trực thăng lượn qua lượn lại, thả dây kêu gọi ông di tản. Ông nhất quyết không đi, bởi tin rằng có Chúa che chở. Và nước ngập cuốn ông đi luôn. Ông gặp thánh Phêrô. Thánh Phêrô hỏi sao lại dạt vào đây. Ông già bực bội trách cứ, tại sao con đặt hết tin tưởng vào Chúa mà Ngài không cứu sống, lại để con chết trôi chết nổi thế này và ông yêu cầu thánh Phêrô mở cửa đưa ông vào Thiên đàng cấp tốc. Thánh Phêrô ngạc nhiên đáp lại: Chúa có cứu ông chứ! Ông có nghe đài báo tin không ? – Có. Ông nghe xe cứu thương kêu gọi không ? – Có. Ông có thấy ghe máy, trực thăng đến cứu không ? – Có. Tại sao ông bảo Chúa bỏ ông ?

8. Bệnh tùy hứng vô định

Người không có lý tưởng rõ ràng. Đời vô định hướng. Ai xúi thì nhắm mắt làm theo, bất kể hay dở, khôn dại. Xong rồi phủi tay. Chẳng có dự án và chẳng có một người nào làm lý tưởng cho đời mình. Đây là loại người tùy hứng.

Người ta hay nói đời là một giấc mơ. Nhưng đời có thật là một giấc mơ không ? Mơ là chuyện mộng, không bắt buộc phải hiện thực. Nhưng đời trái lại là cuộc sống thực tế của mỗi người, bắt mình phải hoàn thành.

Thánh Kinh nói đến giấc mơ của Thánh Giuse. Ông mơ thiên thần báo phải đem Hài nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập. Cái đặc biệt ở đây là Giuse đã thực hiện giấc mơ đó và nhờ vậy Chúa Giêsu thoát chết.

Người trẻ cần có lý tưởng và phải thực hiện cho bằng được. Nhưng phải định hướng cho trúng. Truyện kể có người khi còn trẻ quyết tâm sẽ thay đổi cả thế giới. Khi đứng tuổi thấy mình chả thay đổi được ai, bèn chuyển mục tiêu gần hơn: sẽ thay đổi gia đình mình. Đến khi về già quay lại thấy mình cũng chả thay đổi được gia đình, mới nhận chân ra rằng muốn thay đổi gia đình hay thế giới trước hết phải thay đổi chính con người của mình đã !

9. Bệnh sống vô trách nhiệm

Triệu chứng: thờ ơ trước những khó khăn của Hội thánh và Quê hương, trước những đau khổ của người khác. Chả thấy mình có trách nhiệm gì cả. Hoá ra những người mắc bệnh này chẳng hiểu gì về phép Rửa, chẳng còn nhớ gì sứ mạng được trao qua phép Rửa đó. Qua phép Rửa, được làm con Chúa, đó là Hồng ân, và phép Thêm sức làm cho ta nên chiến sĩ của Chúa đó là trách nhiệm, mỗi người chúng ta được trao ban cả Nước Trời trong lòng mình, đồng thời cũng được giao phó sứ mạng phải loan báo cho mọi người về Nước Trời mình đang mang. Vì không ý thức và quan tâm nên họ giữ đạo hời hợt, sống đạo một cách vô trách nhiệm.

Ngày xưa cha Hậu (cố Olivier) ở Sàigòn thường nói với bổn đạo: Anh chị em phải biết, mình quả thật sung sướng vì được Chúa cho cả Nước Trời trong lòng. Anh chị em cũng giống như một người mang trong mình vé số độc đắc đã trúng mà chưa lãnh. Và bổn phận của anh chị em là chia sẻ ân huệ và niềm vui đó cho người khác.

Mỗi người trong xã hội đều có trách nhiệm riêng. Chứ không phải giáo dân thì cứ đổ cho cha xứ, linh mục thì đổ cho giám mục, giám mục lại chỉ tay về Giáo hoàng. Như thế Giáo hoàng lại đổ cho Chúa à ! Thái độ phủi tay không giải quyết được gì. Mà mỗi người, tùy vị trí và hoàn cảnh riêng, trước hết phải xắn tay nắm lấy mà giải quyết nhiệm vụ của mình.

10. Bệnh bè phái chia rẽ

Đây là căn bệnh trầm kha nhất. Vô cùng nguy hiểm vì nó thường là căn nguyên của các bệnh khác.

Một cơ thể mà các tế bào chống nhau thì làm sao sống được. Nội bộ một cộng đoàn mà chưa hợp tác với nhau được thì đừng nên bàn chuyện đấu tranh, giải phóng. Ai ở thôn quê đều biết hoàn cảnh cấy lúa. Một mảnh ruộng cần cả chục người cấy suốt ngày. Lưng đội trời nóng cháy da, tay xé lúa nhấn xuống bùn, bẩn và mệt. Nhưng cũng miếng ruộng đó chỉ cần một người thôi là chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ là nhổ sạch. Xây khó, phá rất dễ.

Một cách hay nhất để tránh và chữa bệnh này là lắng nghe người khác, sẵn sàng chấp nhận cái khác của người. Câu chuyện tổng thống Lincoln nước Mỹ là một bài học. Trong cuộc chiến Nam Bắc, ngày nọ trước ba quân ông xuống lệnh hành quân. Một anh sĩ quan phản đối và cho rằng Lincoln điên khi hạ lệnh đó. Có người vào báo cáo. Lincoln cả giận. Nhưng thay vì tức khắc cho thi hành kỷ luật đối với thuộc viên, ông cho mời người đó vào. Và sau khi nghe trình bày phải trái, Lincoln đổi ý, trao trách nhiệm lớn cho vị sĩ quan đó. Ông
biết lắng nghe nên đã tránh được đổ vỡ lớn cho binh sĩ và quốc gia.

Trong một giáo phận, một cộng đoàn, một hiệp hội, việc làm tổn thương, mất giờ để giải quyết nhất của Giám mục, của những người có trách nhiệm, là chứng bệnh triền miên bè phái, chia rẽ – mà những người mắc bịnh thường vẫn tưởng mình đạo đức. Có nhiều người “phạm tội vì Chúa”: lấy lý do “vì Chúa” mà loại trừ kẻ khác, không thuộc phe
ta. Người Pháp đã nếm kinh nghiệm cay đắng tai hại của bịnh nầy nên có câu châm
ngôn: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống kẻ khác”. Chúa Giêsu biết trước điều nầy nên Ngài tha thiết cầu xin trước giờ tử nạn: “Lạy Cha, xin cho chúng nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để thế gian tin Cha đã sai con” (Gioan. 17, 21). Nếu ta không hiệp nhất thì thế gian không tin. Lời ông Gandhi đáng cho ta suy nghĩ: “Tôi yêu Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu vì họ không giống Chúa Kitô”.

                                 Tác giả: HY. Nguyễn Văn Thuận
                     Gio-an Nguyễn huy Hoàng sưu tầm và gởi đăng