THƠ: BAO GIỜ CHÚA HỠI







BAO GIỜ CHÚA HỠI


Hoe hoe chút nắng ngượng ngùng
Đông tàn lành lạnh thẹn thùng xuân sang
Da trời xam xám mênh mang
Lững lờ mây nhẹ lang thang đầu ngàn
Lẻ loi cánh én lạc đàn
Gió mang rạo rực rụa ràn ý thơ
Đầu cành nụ nhú như mơ
Lả lơi cánh bướm lượn lờ vấn vương
Mơ hồ xuân đến bên đường
Chút màu nhàn nhạt chút hương khẽ khàng
Tơ lòng hòa nhịp thênh thang
Rộn ràng tiết tấu dịu dàng điệu âm…

Ngân rung một nốt lặng trầm
Bao giờ Chúa hỡi vĩnh cầm xuân xanh!

*****************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng 


THƠ: CÔNG BÌNH ĐẸP MÃI & XIN CHO VỮNG CHẮC ĐỨC TIN CON



                          THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM C



 CÔNG BÌNH ĐẸP MÃI

Con Ông thợ mộc có chi hay
Trình độ bao lăm tỏ vẻ Thày
Học vấn có chăng dùi với đục
Bần dân hạ tiện. Nói cho ngay!

Tiên tri, rẻ rúng cũng quê hương
Quen quá hỏi sao chẳng chuyện thường
Gọi Bụt bằng anh đời vẫn thế
Ghen tương đố kỵ lưỡi không xương

Xuất thân, nếp nghĩ gớm ghê thay
Thành kiến, thâm căn não trạng này
Dẫu biết Thầy tu đâu chiếc áo
Bất công thiên lệch đã xưa nay!

Cho con một nếp nghĩ đơn sơ
Hay, nhận là hay chẳng lập lờ
Tiểu sử sang hèn đâu hệ trọng
Công bình đẹp mãi ước ao mơ.

*********************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng


XIN CHO VỮNG CHẮC ĐỨC TIN CON


Khi trời hạn hán suốt ba niên
Bà góa trong dân khắp mọi miền
Chỉ một Bà(*) thôi đầy hũ bột
Đức Tin son sắt giữa trung kiên

Người phung nhan nhản khắp trong dân
Chỉ một A-Man(*) khỏi bệnh thần
Phép lạ xảy ra dành nhắc nhở
Tin là tín thác há phân vân

Được lành thể xác vẫn chưa cao
Lành đã tâm linh mới ngọt ngào
Ba vạn(**) chóng qua là ảo mộng
Đời đời hằng sống ước ao sao!

Xin cho vững chắc Đức Tin con
Củng cố, dìu nâng giữa mỏi mòn
Chớ để ba thù(***) chinh chiến thắng
Đường về Thiên Quốc lướt bon bon.

*********************

Giu-se Nguyễn Văn Sướng

(*) Bà góa xa-rép-ta và Quan Na-a-man
(**) Đời người (Ba vạn sáu nghìn ngày…)
(***) Ba thù: Ma Quỷ, Thế gian và xác thịt




THƠ: XIN SAI THỢ GẶT & LẠM BÀN THẾ SỰ






             THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN NĂM C

XIN SAI THỢ GẶT

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi
Sai đi loan báo tinh khôi Tin Mừng
Giam cầm được thả rưng rưng
Mù lòa thấy được, tưng bừng tự do
Năm Hồng ân Chúa ban cho…”

Một thời Nhục Thể liệu lo chu toàn
Ngày nay Chúa muốn Chiên ngoan
Dõi theo gót Chúa lo toan cho người
Tin Mừng công bố sáng tươi
Loan ơn Cứu độ mười mươi nhân trần

Một thời Nhục Thể thi ân
Ngày nay Chúa muốn xoay vần phiên ta
Qua ta Chúa vẫn hải hà
Loan truyền Cứu độ cả và nhân gian

Đầy đồng lúa chín chan chan
Xin sai Thợ Gặt ngàn ngàn ra đi
Những chàng Thợ Gặt gan lì
Gặt về cho Chúa chi li Linh hồn.

**************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng


 LẠM BÀN THẾ SỰ

Có, hay không có, đời sau
Ngờ là chuyện phiếm muôn màu nhân gian
Đôi câu, thế sự lạm bàn
Cách ăn nết ở liên can bao đời!

Kẻ không, buông thả trời ơi
Dại chi công chính vẽ vời lương tâm
Ăn chơi hưởng thụ kẻo hâm
Cho lăn lóc đá xứng tầm ông đây
Những chi đạo đức, kệ thây
Gia đình, xã hội giả ngây qua cầu
Chết là hết chuyện còn đâu
Hư vô muôn thuở âu sầu mà chi
Nhân sinh ăn xổi ở thì
Khôn lường hậu quả lấy gì răn đe!

Người tin có, sống e dè
Việc làm, lời nói còn e, còn lường
Dẫu là một mối trăm đường
Hy sinh, nhẫn nhịn, yêu thương, khoan hòa
Trưởng thành nhân cách nở hoa
Gia đình, xã hội, qua loa không đành
Tấc lòng còn tưởng Trời xanh
Một mai hệ quả lòng thành chứng minh.

Lạm bàn thế sự phẩm bình
Có, hay không có, rộng tình khoan dung
Khuyết, ưu suy ngẫm thủy chung
Nhân linh vạn vật(*) cuối cùng là đây.

************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng
(*) Câu nói người xưa: Nhân linh ư vạn vật






THƠ: PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN



THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM C


PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN


Phép lạ đầu tiên chẳng tiền(*) đâu
Sáu chum nước lã lúc ban đầu(**)
Tha hồ thực khách say nghiêng ngả
Hạnh phúc vơi đầy ánh mắt sâu

Chưa đến giờ Con, vẫn cứ xin
Biết Con là Mẹ giữa muôn nghìn
Mẹ xin, Con khứng, đầy mau mắn
Phép lạ vì chưng Mẹ vững Tin

Phép lạ đầu tiên, tiệc cưới vui
Nước Trời sẻ ngọt với chia bùi
Ngôi Hai nhập thể cùng nhân thế
Mầu nhiệm gẫm suy bỗng sụt sùi

Phép lạ đầu tiên chất ngất say
Nước Trời, tiệc cưới, ví von này
Ngôi-Hai-chú-rể, ôi, yêu quá
Nhân-thế-nàng-dâu, đắm đuối thay

Đạo Thánh là đây, thế giới ơi
Trời nghiêng xuống đất mến trao Lời
Ai tin, đón nhận Người Con ấy
Vạn kiếp vĩnh hằng mãi thảnh thơi.

**************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng
(*) Sai luật bằng trắc nhưng nói lái đầu tiên-tiền đâu?
(**) Hóa thành chừng 720 lít rượu ngon


TÌNH CHÚA CHĂM NOM SĂN SÓC.


               Cộng đoàn kính mến. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có những trải nghiệm thân tình với Chúa. Những trải nghiệm này giúp nâng đỡ, ủi an và củng cố đức Tin chúng ta trên đường dương thế. Mời Cộng đoàn đọc qua những trải nghiệm riêng tư của một tác giả. Xin đừng lầm lẫn với những Tín lý hay Giáo huấn của Giáo hội. Chỉ là những trải nghiệm riêng tư đầy cảm động...





                          TÌNH CHÚA CHĂM NOM SĂN SÓC.

         Năm 1975, Gia đình tôi lâm vào cảnh túng thiếu. Tôi xin kể câu chuyện thật của đời tôi, cho thấy tình Chúa yêu thương, săn sóc, thấu hiểu nhu cầu con cái Chúa hơn cả chính ta hiểu ta.
         Một sáng mùa Đông, ngoài trời đang mưa tầm tã. Đói và lạnh khiến tôi nằm trùm chăn, lơ mơ ao ước: “Ước chi bây giờ mà có trái trứng gà (Miền Nam kêu bằng Lê-ki-ma) ăn thì sướng biết bao. Vừa thoáng nghĩ xong bỗng có người lay mạnh tôi:
    - Chị Ngọc, dậy đi chị.
          Tôi vội thò đầu ra khỏi tấm chăn thì thấy ngay cô em gái của chị bạn trong Ca đoàn đang cầm một dĩa trứng gà chín vàng, miệng cười toe ra với tôi:
     - Mẹ em bảo chị thích trứng gà nên sai em bưng qua cho chị.
           Nhà bạn tôi cách nhà tôi một cái hẻm, mất khoảng hơn năm phút. Hái trứng gà cũng mất năm, mười phút. Như vậy trước khi tôi nghĩ đến thèm ăn trứng gà thì mười lăm phút trước Chúa đã biết ý nghĩ của tôi rồi. Chúa biết mình hơn cả mình.  
        Trong Thánh Lễ, một buổi chiều mưa gió, điện cúp. Sau Lễ, chỉ còn tôi trong nhà Thờ. Không một ánh đèn. Đứng trên cầu thang nhìn xuống, chân mang guốc cao, tay bưng chiếc xe đạp mini, mấy bực thang không thấy đường lại ướt nhèm vì dột (Nhà Thờ Hòa Thuận ở trên gác) sợ quá tôi thốt lên: "Chúa ơi, con sợ quá". Ngay tức khắc Nhà Thờ sáng lên. Mắt không thấy nhưng qua những sự kiện đó tôi tin chắc chắn tình yêu lòng thương xót Chúa đã bao phủ lên xác hồn cuộc đời tôi liên lỉ không bao giờ thôi. Tôi như con nhộng nằm gọn trong cái kén Tình Yêu của Chúa. Nhớ tới một tình yêu ấm nồng, gần gũi, kỳ lạ của một Đấng dựng nên cả một vũ trụ vô tận vô cùng như vậy, tim tôi không khỏi thổn thức lòng yêu mến biết ơn. Con ước ao luôn luôn tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì có khi nào Chúa không yêu con, không muốn cho con điều tốt đẹp nhất. Được như Ab-ra-ham tạ ơn Chúa ca tụng Chúa trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất là điều con ước ao.

****************************
Anna Ngọc


PHỎNG VẤN CHA VINHSƠN PHẠM TRUNG THÀNH DỊP LỄ KIM CƯƠNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN CHÂU HẢI


            Cộng đoàn kính mến. 
     Vừa qua trên mạng đã đăng bài phỏng vấn Cha  VINHSƠN PHẠM TRUNG THÀNH 
nhân dịp LỄ KIM CƯƠNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN CHÂU HẢI nguyên Quản xứ Giáo xứ Thanh Bình chúng ta (1975-1990). Thật là một vinh dự cho Giáo xứ có được một Mục tử tốt lành như Cha cố. Kính mời Cộng đoàn quá mục và thêm lời cầu nguyện cho ngài.





PHỎNG VẤN CHA VINHSƠN PHẠM TRUNG THÀNH 

DỊP LỄ KIM CƯƠNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN CHÂU HẢI

Ngày 16 tháng 1 năm 2016 sắp tới, Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam và linh tông, huyết tộc Cha Cố Phêrô Nguyễn Châu Hải sẽ dâng Thánh Lễ tạ ơn, mừng Cha Cố dịp Kim Cương Linh Mục (70 năm Linh Mục, 1946-2016), và Bách Niên Thượng Thọ (100 tuổi, 1916 – 2016).



Đây là dịp trọng đại, đặc biệt và cực kỳ hiếm hoi trong Giáo Hội, nhất là Giáo Hội tại Việt Nam. Thật là một hồng ân Chúa ban riêng cho Cha Cố Phêrô, cho nhà Dòng, linh tông huyết tộc của Cha Cố, cũng như cho các Giáo phận mà ngài đã phục vụ: Bùi Chu, Quy Nhơn và Đà Nẵng.
Trong dịp này, chúng tôi rất muốn xin được phỏng vấn ngài để cống hiến cho quý độc giả về cuộc đời độc đáo, đầy hồng ân của Cha Cố. Nhưng vì Cha Cố đã cao niên, việc trả lời phỏng vấn đối với ngài đã có phần khó khăn, nên chúng tôi xin phép phỏng vấn Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, là người cháu thân yêu của Cha Cố, vị đại diện linh tông huyết tộc đồng tổ chức đại lễ này cho Cha Cố Phêrô.
PV. Kính thưa Cha, chúng con xin Cha cho biết đôi nét về cuộc đời của Cha Cố Phêrô.
Cuộc đời linh mục của Cha Cố tóm tắt như sau :
Chịu chức ngày 4/8/1946 tại Bùi Chu
1946 – 47 Phó xứ Quần Liêu.
1947 – 48 Phó xứ Quần Phương, Linh giám trường Thầy Giảng Bùi Chu.
1948 – 51 Tuyên úy Dòng Cát Minh.
1951 – 52 Chánh xứ Cát Phú, Tuyên úy bệnh viện Thánh Tâm Bùi Chu.
1952 – 53 Tuyên úy Hướng Đạo Công Giáo và các trại giam.
1953 – 54 Tuyên úy Lưu động Khu chiến Bùi Chu.
1954 - 55 Văn phòng hỗ trợ định cư Saigon.
1955 – 60 Giáo sư, Linh hướng Tiểu Chủng viện Thánh Phanxicô Saigon.
1960 – 61 Giáo sư, Linh hướng Tiểu Chủng viện Qui Nhơn.
1961– 69 Tu nghiệp mục vụ Linh hướng, Pháp – Ý. Gia nhập Dòng Thánh Thể.
1969 – 1970 Phụ tá Linh hướng Cursillo Saigon.
1970 – 72 Tuyên úy bệnh viện Thánh Tâm Hố Nai.
1972 – 75 Giáo sư, Linh hướng Đại Chủng viện Hòa Bình, Đà Nẵng.
1975 – 1990 Chánh xứ Thanh Bình Đà Nẵng.
1990 – 2002 Tuyên úy Tu viện Đức Mẹ Sầu Bi – Tập viện Sao Biển, Dòng Thánh Phaolô Đà Nẵng.
2002 – 2009 Tòa Giám Mục Đà Nẵng.
Từ ngày 19 /01/2009 – Nghỉ hưu tại Dòng Thánh Thể Khiết Tâm Thủ Đức.
PV. Cha Cố đã đảm nhận nhiều trọng trách trong các Giáo phận Bùi chu, Quy nhơn và Đà nẵng, trong đó có vai trò Chánh xứ và giáo sư Chủng viện đào tạo các Linh mục, xin Cha cho chúng con biết Cha Cố Phêrô đã thực thi sứ vụ của ngài như thế nào để có thành quả rất khả quan về mọi mặt, nhất là trong thời kỳ vô cùng khó khăn gian nan?
Cháu mà nói về Bác thì cũng hơi khó, nhưng quả thật cuộc đời người linh mục đi qua 70 năm mà vẫn trung tín với ơn gọi, hơn nữa là hoàn thành sứ mệnh trong bình an thì có rất nhiều điều đáng ghi nhận. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và bình an phó thác, đó là nét chính tôi có thể ghi nhận được sau nhiều năm sống với Cha Cố.
Tôi xin đưa ra một số vụ việc để minh chứng nhận định :
Ai gần Cha Cố đều thấy, Cha Cố trung thành và miệt mài với Bí tích Thánh Thể, ngay bây giờ, tuổi già sức yếu, Cha Cố vẫn đắm chìm trong các giờ kính Thánh Thể.
Năm 75, khi Đà Nẵng đang tao loạn, chúng tôi rất lo ngại cho Cha Cố, chúng tôi liên lạc xin Cha Cố vào nam, thời gian sau nhận được thư của Cha Cố, một lá thư rất dài, viết tay, kể lại những sự việc đang xảy ra ở Đà Nẵng, đặc biệt là những đau thương mà mọi người đang gánh chịu, cuối thư Cha Cố viết. “Bác không vào Nam đâu, bác phải ở lại với người dân ngoài này, sợ rằng khi vào Nam sống nhờ anh em linh mục khác, con vi trùng nhàn rỗi sẽ đục khoét tim phổi bác”. Chúng tôi biết Cha Cố chọn đàn chiên và sống chết với đàn chiên. Mọi người khi ấy chỉ biết bùi ngùi cầu nguyện cho Cha Cố.
Trong một lần gặp khó khăn, tôi xin ý kiến Cha Cố, sau vài phút cầu nguyện điều đầu tiên Cha Cố nói với tôi là “Tiên quyết không đưa ra một giải pháp nào cho vấn đề nếu chưa cầu nguyện và suy nghĩ”.
Câu nói cửa miệng của Cha Cố như là một xác tín cuôc đời “Mục đích của Chúa là hạnh phúc của chúng ta”.
Có lẽ nhờ những đức tính trên, đó là cách cộng tác với ơn Chúa, Cha Cố đã đi qua bao gian nan vất vả của cuộc đời và sứ vụ cho đến ngày hôm nay.
PV. Thưa Cha, Cha Cố viết rất nhiều sách, thuộc nhiều thể loại: suy niệm, hạnh thánh, tu đức… xin Cha cho chúng con biết một ít chi tiết về công trình này của Cha Cố Phêrô.
Danh sách các sách Cha Cố đã biên soạn :
Loại sách tu đức bình dân, rất dễ hiểu và giúp ích cho nhiều người:
Suy niệm lời Chúa trước Thánh Thể (4 tập)
Năm Thánh Thể (4 tập).
Chầu Thánh Thể các Chúa nhật (Năm A,B,C).
Dẫn vào tu đức.
Sơ lược truyện Đấng Cứu Thế.
Sống Tuần thánh.
Tâm thư.
Năm linh mục.
Tháng Thánh Giuse.
Tháng Đức Mẹ.
Tháng Mân Côi.
Tháng Thánh Tâm.
Mỹ viện các linh hồn.
Những câu chuyện có thật trong đời thường, giúp người ta sống đạo có ý nghĩa.
Truyện Thánh Juliano – Eymard
Eve Lavallière.
Tiểu Mai
Khăn liệm thành Turin.
Mai mốt.
Chuyện đó đây.
Những chi tiết về nguồn gốc gia đình, những chứng từ về ơn gọi bản thân và cả những câu chuyện riêng tư của gia tộc để lại cho con cháu.:
Quãng vắn đời dài.
PV. Chúng con được biết là chính Cha Cố Phêrô là người đã đưa cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thánh Thể đến Việt Nam và sau đó Đức Tổng Phaolô đã chính thức mời Dòng Thánh Thể vào Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Xin Cha cho chúng con biết thêm về sự kiện này và hoạt động của Cha Cố sau đó?
Đây là một chi tiết khá kín đáo và riêng tư của Nhà Dòng, chúng tôi chỉ được biết rằng Cha Cố đã nỗ lực hết sức trong việc đưa Dòng Thánh Thể vào Việt Nam. Khi Nhà Dòng bắt đầu hình thành, Cha Cố lại lên đường theo lời mời của Đức Cố Giám Mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi ra Giáo Phận Đà Nẵng để giúp Đức Cha Phêrô Maria, người mà Cha Cố kính trọng yêu mến và tùng phục.
Khi nghỉ hưu, Cha Cố nhiều lần tâm sự với tôi về việc Cha Cố tha thiết muốn trở lại đời sống tu sĩ dòng của mình, còn một vài trở ngại chưa được nên Cha Cố kiên nhẫn phó thác đợi chờ, Năm 2009. Cha Phêrô Tống Kiên Hùng, người con tinh thần của Cha Cố từ Đan viện Giêtsimani ở Hoa Kỳ về thăm VN, vị Đan sĩ này can đảm, táo bạo và khéo léo thực hiện ước mơ của Cha Cố.
PV. Thưa Cha, theo Cha nhận định thì đâu là những nét nổi bật trong 70 năm đời linh mục của Cha Cố Phêrô?
THÀNH CÔNG ! không phải tôi nói những rất nhiều linh mục và cả giám mục là học trò, là con cái của Cha Cố nói. Cha Cố đã thành công trong cuộc đời linh mục của Cha Cố, không phải vì xây được nhà thờ to, làm ra những công trình vĩ đại hay tung hoành ngang dọc cho sứ vụ, nhưng Cha Cố đã thành công vì có cả một cuộc đời sống khiêm tốn, trung tín và gương mẫu. Cả một đời hy sinh tận tụy cho các linh hồn.
Một nét khác mà Cha Cố đã sống nổi bật trong đời ngài, đó là sống tình nghĩa gia đình. Những năm tôi còn nhỏ, mỗi mùa hè Cha Cố về Vũng tàu hay Đà lạt để nghỉ, Cha Cố luôn luôn mang theo các cháu trong đại gia đình, Cha Cố nghỉ ở nhà xứ, các cháu Cha Cố gởi nhà giáo dân, chúng tôi biết nhau, thương nhau và thân với nhau nhờ Cha Cố. Không bao giờ Cha Cố cho chúng tôi gọi bằng Cha, nhưng chữ Bác Cha Cố dùng với chúng tôi qua thư từ hoặc trò chuyện. Khi anh lớn tôi lập gia đình, chị dâu tôi chào bác bằng Cha, Cha Cố mỉm cười nói “ Hình như con chưa nhận họ”. Tình nghĩa gia đình là con đường bác xây dựng ơn gọi dâng hiến cho nhiều con cháu chúng tôi.




      Xin cám ơn Ban Biên Tập và độc giả, xin mọi người thêm lời cầu nguyện và tạ ơn với Cha Cố.
PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Cha và xin chúc mừng cùng cầu nguyện cho Cha Cố Phêrô đặc biệt nhân dịp trọng đại này.
                                                                          Gioan Lê Quang Vinh 
           
    Xin phép Tác giả Gioan Lê Quang Vinh để được đăng nguồn tin này. 



THƠ: CHÂN LÝ KHÓ AI THEO






CHÂN LÝ KHÓ AI THEO


Xưa nay chân lý khó ai theo
Chẳng phải bởi chưng chân lý nghèo
Chỉ bởi hy sinh nhiều dục vọng
Lòng còn quyến luyến những cong queo

Người ta có nhận cũng không ưa
Sự thật mười mươi cũng chỉ thừa
Danh vọng, tiền tài, thêm sắc dục
Đong đưa suốt kiếp vẫn đong đưa!

Tai ngơ mắt lấp tiếng lương tâm
Xác thịt chiều quen trói buộc ngầm
Một sớm hai chiều chưa dứt khoát
Hẹn lần hẹn lữa với Cao Thâm

Thế gian quyến rũ rất cao siêu
Khốn đốn đố ai chẳng ít nhiều
Ơn Thánh đỡ nâng người thiện chí
Thành tâm sẽ gặp đích thương yêu.

**************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng


THƠ: HẠ MÌNH THANH TẨY


THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA


HẠ MÌNH THANH TẨY

Gióc-đan, Con Chúa dìm mình
Chịu người thanh tẩy tội tình như dân
Trời cao, một tiếng ân cần:
“Con Ta chí ái nhân trần hãy nghe”…

Người ta tội lấp ngọn tre
Dễ ai xưng thú còn e miệng đời
Hôm nay gương sáng Con Trời
Hạ mình thanh tẩy tuyệt vời khiêm cung
Đồng hình bao kẻ khốn cùng
Để lòng thương xót bao dung chảy tràn

Con Trời thanh tẩy, Gióc-đan
Dạy con cởi bỏ muôn vàn tội khiên
Con là chi trước Vô Biên?
Mà chưa đấm ngực trước tiên tội mình!

**************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng

THƠ: CHÚT THÔI MÀ ĐÃ MÊNH MANG & TẬP NHÂN ĐỨC





CHÚT THÔI MÀ ĐÃ MÊNH MANG

Chút gì vừa chạm tim con
Thướt tha dáng liễu, nét son dịu dàng
Chút thôi mà đã mênh mang
Đến, đi, thoang thoảng thênh thang ảo huyền
Chút chi rất đỗi tinh tuyền
Gợi về một thuở trinh nguyên nhiệm mầu
Chút, trầm lắng tưởng đã sâu
Cho im ắng thẹn đôi câu ngập ngừng
Mơ hồ nghèn nghẹn rưng rưng
Vừa như ảo ảnh vừa chưng vợi vời
Chút, không diễn tả thành lời
Gần trong tay với xa khơi mịt mù
Chút thôi là chạm thiên thu
Hạ âm tiếng Chúa nhẹ ru cung lòng!

Ôi, Vô Cùng, vẫn trông mong
Thoảng qua một chút bên song bồi hồi.

**************************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng



TẬP NHÂN ĐỨC

Chúa đã phán: Ai có cho thêm (*)
Con ngẫm (Kiểu dùi đục mắm nêm!)
Dù nhân đức chưa có đừng phiền
Phải dốc lòng sắm một đầu tiên
(Nhưng đừng lo đầu tiên tiền đâu
Vì cái đầu Chúa luôn miễn phí)
Vậy xin trước Khiêm nhường hết ý
Có Khiêm nhường ta mới Đơn sơ
(Dù là free tốt đến không ngờ)
Ta Đơn sơ Chúa ban Đức Ái
Đơn sơ mà, gặp ai yêu đại
Yêu thương thì mới biết Bao dung
Đời người ta ai chẳng khốn cùng
Mà Bao dung hằng luôn Tha thứ
Ta cũng thế hay ho gì chứ
Ngẫm đến đây thì con ngắc ngứ
Hy vọng rằng Chúa giúp bài sau
Chúc mọi người tiến đức cùng nhau
Nhưng đầu tiên chẳng phải tiền đâu..
Mà hết lòng xin, tập cho ngầu.

**********************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng
(*) Mt: 25, 29



THƠ: HIỂN LINH


THI CA TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH


HIỂN LINH

Hiển linh Chúa tỏ với nhân gian
Kẻ chối người tin vẫn vạn ngàn
Mưa xuống nắng lên cùng khắp cả
Chan hòa ân tứ Chúa thương ban

Phương đông sao lạ sáng soi đời
Hắt hủi hay theo tiếng gọi mời
Thiện ác phân chia tùy thái độ
Hạt còn hạt đã rớt văng rơi

Hiển linh không nhận bởi tham si
Mê mải phù vân quấn quít ghì
Huyễn hoặc lương tâm dìm khắc khoải
Thiên đàng hỏa ngục cứ quên đi

Hiển linh Chúa muốn chính thân con
Sao chiếu muôn dân sáng đẹp tròn
Dẫn lối nhân gian tìm Thượng Đế
Đường về Chân lý  dẫu chon von.

*********************
Giu-se Nguyễn Văn Sướng