GIÁO DỤC CON TRẺ



                         Cộng đoàn kính mến.
          Blog xin được giới thiệu loạt bài chủ đề Gia Đình, Giáo Dục, Hôn Nhân do anh Gio-an Nguyễn Huy Hoàng sưu tầm 
cống hiến. Rất mong được Cộng đoàn đón xem và góp ý.


Dạy trẻ cách sống tích cực & chủ động
Một phần rất quan trọng và đầy khó  khăn đối với cha mẹ là làm 
sao để dạy cho con mình có ý thức về bản thân chúng. Có nghĩa 
là phải dạy cho chúng biết tôn trọng bản thân, phát huy những 
phẩm chất tốt đẹp, xây dựng tính cách cá nhân và phát triển 
tài năng. Ðiều đó dường như là một yêu cầu quá cao so với 
những người cha, người mẹ suốt ngày phải bận rộn với công 
việc làm ăn, và càng khó khăn hơn khi trẻ con ngày càng 
chịu ảnh hưởng và bị tác động xấu từ bạn bè và các trò chơi 
điện tử đầy bạo lực. Các nhà tâm lý học khuyên rằng để nuôi 
dạy con trẻ biết yêu thương và sống lạc quan thì cha mẹ phải 
kiên nhẫn tác động tích cực đến việc hình thành sự tự tin, 
tính hòa đồng và lòng trắc ẩn nơi con trẻ.  

Cha mẹ phải hiểu rõ tâm sinh lý của từng đứa trẻ để có cách 
phù hợp trong việc nuôi dạy con mình. Ví dụ như những đứa 
bé trai có thể không cần nhiều đến sự chăm sóc tỉ mỉ như các 
bé gái. Nhưng chúng cần những lời động viên thể hiện sự tin 
tưởng vào bản thân chúng. Nếu đứa con trai của bạn ghi 
nhiều bàn thắng trong buổi tranh cúp bóng đá thiếu nhi toàn 
thành thì những cái choàng vai hay xiết chặt và lắc tay của bố 
sẽ khích lệ tinh thần của bé rất nhiều.
Trong khi đó, nếu  đứa con gái của bạn đoạt giải trong cuộc 
thi "cành cọ non" thì việc được mẹ ôm chặt và hôn lên má sẽ 
khiến bé sung sướng và hân hoan. Bé trai và bé gái thường 
có những nét khác biệt. Và vì thế, cha mẹ phải biết cách bày 
tỏ sự yêu thương và động viên với từng đứa trẻ, cũng như 
hiểu những nét khác biệt này để tránh gây bất hòa giữa hai 
vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái.
Ngoài những điều đó ra thì cha mẹ cũng phải quan tâm đến 
những vấn đề dưới đây vì chúng ảnh hưởng sâu sắc đến việc 
hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ.  

Chửi rủa - đó không phải là một giải pháp 

Khi con cái không tuân lời, bị điểm kém hay tiếp thu chậm, 
cha mẹ thường hay chửi mắng chỉ trích con mình thậm tệ. 
"Con gì lì  lợm như trâu"; "Cái đồ gì mà  ngu si đần độn"; 
"Mày cứ thế này thì  sau này chả làm được tích sự gì!" Ðó là 
một cách dạy con rất tiêu cực. Ðứa trẻ không những không khá 
hơn mà còn tỏ ra sợ sệt, tự ti với bản thân, hoặc "trơ trơ như 
gỗ đá" với những lời chửi mắng đó. 

Trong một cuộc khảo sát về cách cư  xử của cha mẹ đối với con 
cái của 85 cặp vợ  chồng cho thấy cha mẹ rất hay bực bội và 
chửi rủa với những đứa trẻ trong độ tuổi từ 10-15. Các nhà xã 
hội học cho rằng, thay vì quở trách con gái vì nó hay lặp lại 
những lỗi lầm trong học tập, thì hãy hỏi lý do tại sao bé phạm 
lỗi. (Có thể lý do bé đưa ra sẽ làm bạn bất ngờ. Ví dụ, con gái 
bạn sẽ nói rằng nó viết chính tả hay bị sai vì cô giáo của nó người 
Huế, mỗi khi cô đọc bài, có những từ nó nghe không ra thì làm 
sao viết đúng cho được!). Khi chúng đã "thú tội" rồi, bạn hãy 
phân tích cho chúng biết những lỗi lầm như vậy thì sẽ gây ra 
hậu quả như thế nào. Như vậy, chúng sẽ ý thức được những điều 
sai, lẽ phải và cách để sửa chữa sai lầm. 

Bé Phát, một cậu bé nghịch ngợm và hiếu động, luôn gặp rắc 
rối ở  trường. Vào tuần thứ ba của năm học mới, người cha nhận 
được giấy của cô giáo mời gặp mặt giáo viên vì con trai của ông 
lỡ làm "u đầu chảy máu" một bạn học cùng lớp. Khi cha của Phát 
bước vào lớp học, ông đã nhìn cậu bé với ánh mắt đầy giận dữ, 
kéo tai cậu bé: "Thằng (..chửi thề...), cho mày ăn học như vậy đó 
hả?" cô Dung, chủ nhiệm lớp, đã sững người lại vì những lời thô 
lỗ vừa được thốt ra từ miệng của một vị phụ huynh. Cô chỉ muốn 
 thông báo tình hình sự việc thôi chứ đâu ngờ. Lối hành xử như 
vậy sẽ khiến cậu bé xấu hổ với bạn bè trong lớp và cảm thấy 
bị xúc phạm nghiêm trọng. 

Khi ở nhà mẹ cũng là cô giáo 

Trong trường hợp trên, ngoài những tác  động tâm lý xấu 
đến cậu bé sau này. Cũng chẳng có gì làm lạ nếu mai này có ai 
đó chép miệng: Tính hung hăng của nó giống hệt thằng cha nó!
Cha mẹ là một tấm gương cho trẻ nhỏ trông vào và đó là một 
giáo cụ trực quan sinh động nhất. Bạn muốn con mình có những 
hành vi có văn hóa cũng như những phẩm chất tốt đẹp 
như tình thương, sự trong sạch, tính chân thật, biết quan tâm 
và động lòng trắc ẩn đến người khác...thì bạn phải là hình ảnh 
tốt đẹp để con bạn noi theo. Bạn không thể suốt ngày ra rả lên 
lớp với con là "phải biết yêu quý ông bà cha mẹ" trong khi bạn 
đối xử với ông bà của chúng chẳng ra gì.  

Ðầu óc của trẻ con giống như tờ giấy mỏng. Chúng dễ bị ảnh 
hưởng và "sao chép" những hành
động và lời nói của bố mẹ. Không ít đứa bé còn nhỏ tuổi nhưng 
đã biết chửi thề, sai khiến người khác. Một đứa trẻ mới chín tuổi 
đầu đã biết mắng người giúp việc đáng tuổi bà ngoại nó rằng 
"sao bà ngu quá vậy". Khi được hỏi "Sao em lại dám hỗn với 
bà?", nó thản nhiên đáp: "Tại em thấy mẹ nói như vậy với bà 
hoài à!" 

Dạy trẻ rèn luyện khả năng tự nhận thức và tính tự chủ  

Dạy trẻ tính tự chủ nên bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ. Xây 
dựng tính tự chủ của trẻ tập trung vào hai khía cạnh chính: 
Chú ý đến những gì đã được dạy dỗ - Trực tiếp thi hành. Lúc 
còn nhỏ, cha mẹ có thể dỗ con nín khóc bằng sữa, ru con 
bằng cách đưa võng hay hát hò. Khi con cái lớn hơn, thì cha 
mẹ phải hướng dẫn con tập đi, chơi trò chơi, đọc những quyển 
sách nhiều màu sắc, phân biệt những hình dạng khác nhau 
để phát triển trí não của bé. Khi trẻ trở thành một học sinh, dạy 
trẻ biết ý thức về khả năng của mình và sự tự tin trở thành 
 một phần quan trọng khác trong việc dạy dỗ con cái của cha 
mẹ. Yêu con không phải là làm tất cả cho con, chiều chuộng 
con đến mức phi lý. Ðể sau này chúng biến thành một sợi dây 
leo yếu ớt, không có khả năng tự xoay sở trong mọi tình huống. 
Nhất nhất cứ "ba ơi, mẹ ơi, chị ơi....” 

Muốn dạy con tính tự chủ, đầu tiên bạn hãy hướng dẫn bằng lời 
nói và các tình huống minh họa qua sách báo, tranh ảnh, băng 
hình. Lúc chúng 3-4 tuổi, dạy trẻ tự đánh răng, rửa mặt, chào 
hỏi dạ thưa. 

Lớn hơn nữa, nâng dần tính tự chủ  của đứa trẻ ở một mức cao 
hơn. Ví  dụ, bạn hãy đưa ra nhiều tình huống để chúng tự giải 
quyết. Nếu ba mẹ không có ở nhà thì phải làm gì? Nếu đi học 
mà bị kẻ xấu bắt nạt thì phải hành động ra sao? 

Gần gũi với con cái nhiều hơn 

Nhiều ông bố bà mẹ cứ  thả lỏng, phó mặc con cái của mình 
cho vú  nuôi hay một người nào đó và biện hộ rằng không có 
thời gian, hay bận công việc. Họ nghĩ rằng với số tiền mà họ 
bỏ ra thì người khác có thể làm thay trách nhiệm của họ. Hãy 
nên nhớ rằng một người giúp việc có văn hóa mới lớp hai, lớp 
ba thì mỗi ngày chỉ có thể tắm rửa, đưa đón con bạn ngày hai 
buổi đến trường. Một cô gia sư chỉ có thể đến để ôn bài, hướng 
dẫn bài mới cho con bạn mỗi buổi hai tiếng thì đâu còn thời gian 
rảnh để dạy con bạn không được "nói leo" với ông bà, không 
được chửi thề; cũng không thể nào gần gũi với chúng như cha mẹ 
được và không phải là người để chúng trút hết thắc mắc, 
những câu chuyện buồn vui của mình. Trẻ con rất cần có người 
để giải tỏa tâm tư và định hướng hành động cho chúng. Nếu bạn 
cứ bỏ mặc, con bạn sẽ dần có những lỗ hổng, nhiễm những thói 
hư, tật xấu và hư hỏng hồi nào không hay. Dạy con có nề nếp, 
biết ứng xử trong từng hoàn cảnh, tình huống thì không 
chiếm quá nhiều thời gian như bạn nghĩ và khi chúng đã có sẵn 
khuôn khổ thì mọi việc sẽ trở nên dẽ dàng. Bạn nên dành một 
ít trong quỹ thời gian của mình để trò chuyện với con cái, 
quan tâm đến chúng nhiều hơn. 
                                                                        Thăng tiến hôn nhân gia đình 
                                                                    Gio-an Nguyễn Huy Hoàng sưu tầm
   (Mong Tác Giả vui lòng lượng thứ vì chưa được sự cho phép, tất cả để phục vụ)

1 nhận xét:

  1. Bài viết rất có ý nghĩa, cám ơn anh Hoàng rất nhiều. Mong được đọc thêm nhiều bài của anh.

    Trả lờiXóa