NGHỆ THUẬT NGHE VÀ NÓI





                             Vĩnh Biệt vì Ba Không Lắng Nghe Con

Thực tế mới làm người viết nhớ lại truyện cũ vì đã kể ở trong sách và ở nhiều lần chia sẻ.  Đó là ông Thương rất thương con, thương vợ, thương gia đình, thương mọi người. Nhưng ông rất khó thương vì ông chỉ thương theo cách của ông. Câu thường xuyên ông gắt lên trong gia đình là: “Vợ con mà không thương thì thương người hàng xóm à? Nhưng nước có luật thì nhà này cũng phải có luật.” Ông nói đúng nhưng làm sai, vì “luật” là vợ con phải nghe ông chứ ông không nghe vợ con. Khi hội họp việc chung, ông Thương cũng nói cùng chiều: “Cứ nghe tôi là mọi việc đều xong.” Đa số liếc mắt “đá lông nheo” làm hiệu để ông muốn nói gì thì nói, vì khi thỏa mãn tự ái rồi thì ông giúp đỡ tiền bạc rất hậu.
Trong các con của ông Thương, người khi nhỏ ông thương hơn cả lại là người khi lớn ông ghét hơn cả.  Đó là anh Tâm. Ông Thương không nghe Tâm, mà Tâm cũng không nghe ba. Cha con Thương&Tâm cư xử với nhau tương tự chuyện này: Vua cha băng hà, và vua con lên kế vị. Bàn dân tưởng vua cha làm thế nào thì vua con cũng làm thế, nhưng vua con đảo ngược. Điều cha ra lệnh làm thì con ra lệnh bỏ, còn điều bỏ thì làm. Vua con tự bênh vực mình: Trẫm làm giống như vua cha, vì cha không nghe ai mà bàn dân phải nghe cha, thì trẫm cũng không nghe ai, mà ai cũng phải nghe trẫm.”
 

Cách cư xử trong nhà ông Thương cũng “truyền ngôi” như vậy, vì ông la gắt và các con cũng la gắt giống ông. Cao điểm của đời sống một chiều chủ quan, của con tự ái giống bố, của không ai nghe ai, chính là cái chết thật thương tâm. Đó là một tối nọ, anh Tâm cầm chìa khóa xe ra cửa. Ông Thương quát: “Liệu hồn về đúng giờ. 11 giờ mà chưa về thì chết với tao.” Anh Tâm mặt vênh vểnh giống như ông Thương cũng vểnh mặt nhìn con. Bốn mắt giao nhau không để tỏ tình thương nhau, mà để thách thức. Nửa đêm anh chưa về; khi về thì gần một giờ sáng. Ông Thương cầm sẵn cái cán lau nhà, vừa phang vào người Tâm vừa hét: “Mày không nghe tao hả. Không nghe này… Không nghe này…” Mỗi tiếng hét “không nghe” là mỗi cái quật. Tâm hét lại: “Ba nghe con nói… Nghe con… Nghe…” Vừa hét vừa đỡ đòn, rồi chạy xốc vào phòng. Sau vài giây, Tâm đạp phăng cửa, ra sừng sổ to hơn nữa: “Ba nghe… Nghe con…” Ông Thương giơ cái gậy thẳng cánh: “Nghe này… Nghe…” Tâm cúi đầu tránh kịp, chạy biến vào trong phòng. Sập cửa “rầm.” Nhà yên lặng. Cái yên lặng rợn người giữa nửa đêm về sáng. Yên lặng ngột ngạt. Yên lặng chết người. Rồi thình lình có tiếng nổ chát chúa. Ông Thương sấn sổ muốn nhẩy vào phòng Tâm, nhưng cửa khóa. Khi cậy được cửa thì Tâm ngấp ngỏai trên vũng máu, mắt trợn trừng. Ông Thương xốc con lên đúng lúc con thì thào “Ba không nghe con…” Ông quát “mày không về đúng giờ thì chết với tao” và con đã chết trên tay ông.
Thương con thì có mà hiểu con thì không
Không ai lắng nghe ai
Ba không lắng nghe con
Con không lắng nghe ba
Nên con chết trên tay ba.
Khi hòan hồn, ông Thương nhìn xung quanh thì thấy cây súng lục của ông nằm lăn trên vũng máu còn nóng hổi. Tâm dùng ngay súng của ba để bắn chết mình. Bên cạnh là tờ giấy nguệch ngọac hang chữ: “Vĩnh biệt ba vì ba không lắng nghe con.”
Ông Bush gây ra chiến tranh Iraq phải chăng vì không lắng nghe quốc hội, không lắng nghe triệu triệu tiếng nói? Quân khủng bố gây ra những khủng bố rợn rùng, phải chăng vì người lãnh đạo độc tài lừa lọc, không tạo cho dân lành nghe theo tiếng lương tâm, mà đánh lạc lương tâm họ, bằng cách nhồi sọ “Cứ ôm thuốc nổ đi. Chết xong là có bốn trinh nữ chờ sẵn...” Nhiều đòan thể, người có trách nhiệm, và nhiều người cha, người mẹ cũng đánh lạc lương tâm mình và lương tâm người nghe bằng những lý luận, hoặc những hứa hẹn mơ hồ, mộng tưởng, nửa thật nửa giả, nên cũng tạo ra những hậu quả thương tâm như cha con ông Thương & Tâm.
Muốn nghe thì cần có người nói.
      Trừ người thánh hay người điên, còn người bình thường dễ sợ hãi, không dám ở trong nghĩa địa, vì các người trong nghĩa địa không nói; mà nếu người chết nào từ trong mồ chui ra để nói thì người sống lại càng sợ, hú hồn.
      Vì vậy ai im ỉm không nói, thì xác còn sống nhưng con tim giá lạnh như đã chết. Người sống cần sống gần thân xác còn nói chứ không gần thân xác bất động, rữa thối trong nghĩa địa.
      Còn ai nói châm chọc, cay đắng, nói gian dối, vu khống, nói dựng chuyện, rỉ tai, v.v., thì đặt người nghe vào ổ kiến lửa; bị châm chọc, đau đớn. Con người cần tránh đau đớn, nhất là đau đớn đời sau, nên cần xa tránh, không nói vu khống, xuyên tạc. Nhất là tránh cố ý xuyên tạc.
      Vợ chồng bỏ nhau, con bỏ nhà, bạn hữu bỏ nhau, thường là do phải sống với người có miệng cũng thừa, vì miệng để nói mà không nói; hoặc do phải sống với người thừa miệng, vì nói thừa thãi, độc địa. Người miệng thừa hay người thừa miệng đều xô đẩy người gần mình vào cảnh nghĩa địa hoặc cảnh kiến lửa. 
Và đa số  chỉ muốn nói khi có người nghe. Nói mà không cần ai nghe thì đó là nói nhảm, nói điên, trừ trường hợp “nói với mình” trong khoa chữa bệnh tâm lý. Đây là cách mình nói cho mình nghe được tiếng mình để thấy được tâm tính của mình, thấy con người thật của mình. Như vậy trong cách tự nói để chữa tâm bệnh này vốn có người nghe, đó là mình. Tưởng sẽ trở lại chủ đề này trong một bài khác.
      Có người nghe lơ đãng, nghe “để ngòai tai,” nghe vô hồn, nghe khách sáo, nghe xã giao, v.v. Nghe mà không chú ý, không nghe “hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” thì không đem lại nhẹ nhàng thỏai mái cho người nói.
      Thà lắng nghe trong 5 phút hay 15 phút, còn hơn bị hờn giận trong 5 giờ, 5 ngày, có khi 5 tuần. Và như ba Thương và con là Tâm, vì thiếu lắng nghe nên đưa tới cái chết thương tâm!
Có khi chỉ  cần lắng nghe mà không cần cho ý kiến, không cần giúp giải pháp, vì người nói biết giải pháp rồi. Nói vì có nhu cầu nói, chứ không có nhu cầu tìm giải pháp. Đa số chỉ cần chú ý lắng nghe là đã giải tỏa cõi lòng. Như khi vợ hay chồng bị căng thẳng trong sở làm, trong hội đòan, trong việc buôn bán thương mại, hoặc trong việc bị tán tỉnh trăng hoa. Lúc đó mà mở miệng khuyên bảo, nhất là mở miệng ghen tương, thì đúng là ghen. Là mất trí vì ghen. Lúc đó chỉ cần dịu dàng lắng nghe. Ân cần lắng nghe. Vừa nghe vừa nhìn chăm chú. Yêu thương. Gật đầu. Lắc đầu; v.v., thế là người nói cảm thấy nhẹ bẫng như tơ hồng. Tình yêu sẽ chung thủy trọn đời, đời đời, “Giữ Được Vợ” như anh Vọng nhờ biết lắng nghe tích cực.
Tuy nhiên, nếu người nói có giới hạn thì người nghe còn có  giới hạn hơn nữa, nên không thể nghe hòai. Do đó người nói và người nghe đều cần cố gắng, cần cầu nguyện, để “nói ngắn hơn” và “nghe dài hơn.” Chẳng hạn, nếu nói thỏa thích thì cần nói liên tục trong vài giờ. Nhưng vì biết người nghe không chú ý hòai được, và còn nhiều việc khác chứ không phải chỉ có một việc nghe mình nói, nên cố gắng rút gọn, nói trong 20 phút, hoặc tối đa là nửa giờ.
      Muốn nói ngắn thì hãy tưởng tượng như mình đang phải bỏ thời giờ ra để chú ý nghe chính những điều mình nói. Trong văn phòng tâm lý, có lọai chỉ ngồi để nghe nên con bệnh nói lâu bao nhiêu cũng được, nhưng phải trả  “công nghe,” có khi 300 đôla một giờ.
      Còn người nghe chưa đầy 5 phút đã muốn chặn họng, cắt ngang, ngáp dài, vươn vai, bẻ tay, nhìn giờ, v.v., thì cần nguyện tắt trong lòng: “Giêsu, Maria, Giuse. Con mến yêu. Xin cho con nhẫn nại, lắng nghe ít là 30 phút mà không cần khuyên bảo.”
      Nói mà nói ngắn, nghe mà nghe dài thuộc hàng nhân  đức. Không mến Chúa và yêu người chân thật thì  khó mà “nói ngắn, nghe dài.” Vì bác  ái nên cần tránh là gánh nặng cho người nghe vì  nói dài; và tránh là gánh nặng cho người nói vì nghe lơ đễnh.
Có khi chỉ  cần “nghe” bằng sự hiện diện, và  đây là việc tông đồ, thuộc hàng “Mục Vụ  Hiện Diện.” Sự chú ý, mắt nhìn, thái  độ ân cần, cử chỉ kính trọng, tòan thân tỏ ra sự quan tâm săn sóc, “ít lời nhiều lòng,”  đó là điều cần thiết và mang lại kết quả tốt trong đám tang, cũng như trong đám cưới, đám ăn sinh nhật, kể cả đám cãi nhau.
Nhân đức lắng nghe cần đi đôi với nhân đức giữ  kín đáo điều mình nghe. Gọi là nhân đức vì nếu biết kiên nhẫn lắng nghe và biết giữa kín đáo vì bác ái thì được an vui đời này và được Thiên Đàng đời sau. Kinh Thánh ghi nhận sự lắng nghe kín đáo này “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ những kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lk. 2: 19); hoặc “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng” (Lk. 2: 51). Nghe mà nói ra thì dễ làm cho người nói bị chạm tự ái, bị mất danh dự. Và làm cho mình bị mất tín nhiệm; bị tiếng là nông nổi, trống miệng.
Nghe hoặc lắng nghe là điều khẩn thiết đến mức Thượng Đế cũng nói và nghe. Kinh Thánh ghi Lời của Giêsu Vua Tình Yêu: “Lạy Cha, nếu đó là ý Cha thì xin cất chén này khỏi con, nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha được thể hiện” (Lk. 22: 42); hoặc “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã nghe con. Con biết rằng Cha luôn nghe con…” (Jn. 11: 41); v.v. 
Kết lại trong một câu là “Nói ít, Nghe nhiều.” Nếu ông Thương biết “Nói ít, Nghe nhiều” thì hẳn đã tránh được cái chết thương tâm của con, đã không phải đọc mẩu giấy bê bết trong vũng máu “Vĩnh biệt vì ba không lắng nghe con.”◙ 
                                                              LM Phêrô Chu Quang Minh, S.j.
                                                Gio-an Nguyễn Huy Hoàng sưu tầm và gởi đăng
               (Kính xin Cha Phê-rô cho con được trích đăng khi chưa gặp Cha để xin phép)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét