Kính mời cộng đoàn thưởng thức một bài sưu tầm của anh Gio-an Nguyễn huy Hoàng rất hay.
Tâm lý Gia đình:
Ghen thế nào mới đúng
Có phải hễ yêu là ghen?
Ghen tức, hay “đánh ghen”
có phải là cách thế tốt để duy trì tình yêu không? Bài này sẽ xét thực tế của sự kiện ghen tương, sau đó phân tích ghen vì chiếm hữu, những hình thức biểu lộ ghen tương, và nguyên nhân đưa tới ghen... |
Thực Tế Ghen Tương
Vụ án O.J.
Simpson là vụ giết người vì ghen.
Nàng Nicole Brown Simpson, một thiếu nữ kiều diễm da trắng, có thật sự yêu chàng da đen O.J.? Hay vì chàng lừng danh quốc tế về thể thao? Hay “yêu” hàng triệu mỹ kim của chàng, chứ không yêu chàng? Nicole có hai con, nhưng tình tan rã vì hai người ly dị nhau. Khi bị giết, nàng đang ở với bạn trai là Ronald Goldman, nên Ronald cũng bị giết theo. Qua dư luận báo chí, tuy O.J. ly dị Nicole, thể chất xa lìa nàng nhưng tâm tư vốn gần gũi nàng. Như vậy là chàng yêu nàng mà nàng không yêu lại? Nên O.J. ghen? Có lần báo chí nói rằng O.J. uất ức thốt lên, đại ý: “Nếu Nicole không ở với tôi thì không ai được ở với nàng”. Nhiều nguyên nhân làm cho Nicole không yêu O.J. Nguyên nhân đó có thể tầm thường như trường hợp dưới đây:
Người vợ kia
không sao yêu nổi chồng vì trong
10 năm, anh không đánh răng. Đã vậy, sáng thức dậy là phà hơi hôi thối vào mặt vợ. Anh lại lý luận rằng yêu nhau có thể chết cho nhau, nên không sợ vi trùng! Nếu anh cảm cúm, anh lại càng nằm gần chị hơn, để chi cảm cúm theo anh. Đã nhiều lần xảy ra như vậy, chị luôn van xin, nhưng anh không buông tha. Đã vậy, anh còn kết tội chị có tình ý với người đàn ông khác, nên mới hất hủi, khinh thường anh. Rồi anh tự động làm đơn ly dị. Chị tưởng yên thân. Nhưng anh theo dõi từng cử chỉ, từng nơi chị lui tới. Anh nói với bạn hữu tương tự như O.J. Simpson: “Nếu nó không ở với tao, thằng nào gần nó sẽ biết tay tao”. Rồi người chồng điên dại này ghen cả với em trai của vợ. Hai chị em ở chung một nhà. Lần kia, lấy cớ đến thăm con, anh cãi lộn với người em trai. Rồi đánh chị. Hàng xóm thấy huyên náo, điện thoại báo cảnh sát. Anh phạm tội đánh người có thương tích, và tội vào nhà bất hợp pháp, vì theo án ly dị, anh không còn là chồng nữa. Anh phải giam tù, nguyên nhân gần là vì hành hung, nhưng nguyên nhân xa là vì ghen.
Thí dụ khác,
đó là một chị yêu chồng tha thiết.
Đúng ra, chị muốn chiếm hữu để anh nô lệ chị, chứ không phải anh là chồng chị. Anh có khả năng điều khiển, nhiều kinh nghiệm trong việc dùng người, nên được hãng thuê làm giám đốc nghành nhân viên và phổ biến sản phẩm. Dưới quyền anh, có hàng trăm kỹ sư, nhân viên, cũng như chuyên viên kỹ thuật. Theo kỷ luật trong hãng, ai muốn vào tiếp kiến anh, cần điện thoại trước. Khi đến phải gặp thơ ký. Thơ ký báo cho anh. Anh chấp thuận, lúc đó có nhân viên dẫn tới phòng tiếp khách riêng. Phải nói rằng chị không yêu, mà chị điên rồ. Hàng ngày anh đi làm về là bị chị lấy khẩu cung, tra hỏi xem đàn ông hay bà đem cà phê cho anh? Cô nào hôn mà trán có màu hồng? Tại sao không thuê thơ ký là đàn ông mà là đàn bà? Lại còn lựa cô đẹp nữa? Anh trả lời “yes” cũng chết, mà trả lời “no” cũng chết. Sau nhiều lần, anh trở thành lầm lì, chẳng nói chẳng rằng. Chị lại càng ghen. Rồi chị tới hãng, bất chấp luật lệ, xồng xộc vào thẳng văn phòng của anh. Tuy mất thể diện với nhân viên, anh vốn còn bình tĩnh để ôn tồn hỏi: “Em có việc gì cần anh ngay?” Chị xấc xược: “Phải, tôi cần anh cho tôi biết con nào ở đây bỏ bùa anh, để anh quên tôi?” Sau vụ chị “đánh ghen” vì ghen bóng ghen gió này, liên tiếp mấy tuần anh không về nhà. Hàng ngày tan sở, anh đến ở nhà bạn. Anh nói với giọng chán nản: “Tôi sợ nàng”. Như vậy, ghen tương làm nàng chiếm được gì? Tâm hồn chàng? Thân xác chàng? Hay mất tất cả?
Thực
tế là nhiều người ghen. Vụ án O.J. Simpson
vì ghen. Người chồng vào tù vì ghen. Người vợ xồng xộc tới sở cũng vì ghen. Hình như ghen nằm sẵn trong máu con người. Vì vậy, ca dao tục ngữ nói: Ớt nào là ớt chả cay, Gái nào là gái chả hay ghen chồng?
Như vừa nhìn
mấy trường hợp trên, không
nguyên đàn bà ghen, mà đàn ông cũng ghen. Vậy đây là động lực thúc đẩy con người ghen? Tại sao Nicole Brown và bạn trai bị giết? Và nhiều câu hỏi tại sao, tại sao được đặt ra, như tại sao chồng không đánh răng, miệng thối, mà còn ly dị vợ? Tại sao vợ vào tận hãng nhục mạ chồng? Tại sao anh nhớ vợ, thao thức không ngủ, nhưng khi thấy vợ đi làm về, anh lại cộc cằn với vợ? Đâu là câu trả lời cho những tại sao, tại sao này? Tuy do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể quy tụ thành bốn nguyên nhân chính, đó là chiếm hữu, tâm lý sợ sệt, đời thơ ấu bất hạnh, và cuối cùng là bảo vệ tình yêu chính đáng.
II. Ghen Vì Chiếm Hữu
Chiếm hữu người
yêu như một món đồ mình có.
Nếu tôi có chiếc nhẫn hột xoàn, căn nhà, hay có món tiền, v.v., lúc đó tôi có quyền nâng niu, xử dụng, hay cũng có quyền liệng bỏ đi tùy ý. Tôi không phải hỏi ý kiến ai, cũng như không ai được xâm phạm đến vật dụng tôi có. Nếu ai vào nhà mà tôi không muốn, tôi có quyền ngăn cấm. Khi cấm mà còn cưỡng bức vào, tức là xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Nếu bị bắn chết, tôi không chịu tội.
Tình yêu vừa
là chiếm hữu, vừa vượt lên trên
chiếm hữu, cao thượng hơn chiếm hữu. Trước tiên, tình yêu là chiếm hữu, vì khi cưới xin, thề hứa chung thủy với nhau, thì người này thuộc về người kia. Có mẩu chuyện vui kể lại rằng nhà truyền giáo kia dạy sinh ngữ cho người thổ dân, để họ có thể học giáo lý bằng sách mới nhập cảng. Nếu ngài chỉ vào con sông và nói: “Con sông”, thì tất cả lập lại “Con sông”. Thầy trò vui vẻ thực hành như vậy khắp nơi, từ ngoài cánh đồng cho đến băng qua thung lũng. Khi tới ven rừng, thầy trò bắt gặp một cặp đang chăn gối trong bụi rậm. Nhóm thổ dân gặng hỏi: Gọi làm sao? Vị truyền giáo lúng túng, trả lời cho xong chuyện: Đạp xe đạp. Một thanh niên trong nhóm giương cung bắn người đàn ông. Vị truyền giáo hoảng hốt ngăn lại: Đừng bắn, có tội! Anh thanh niên tức tối trả lời: Nhưng nó đạp chiếc xe đạp của con!
Câu trả lời
của anh thổ dân vừa đúng vừa
sai. Đúng vì không được cướp vợ của người khác. Sai, vì vợ hay chồng không ngang hàng như vật vô tri, như chiếc xe đạp. Do đó, có thể hủy diệt đồ vật thuộc về mình, nhưng không được hủy diệt bản thân mình, hay hủy diệt bất cứ người nào, dầu người đó là con, là bạn, kể cả người mình ghen ghét. Được ngăn cấm việc làm xấu, nhưng không được giương cung bắn người làm điều xấu.
Điểm thứ hai chứng
tỏ tình yêu không phải là chiếm
hữu, vì trong chiếm hữu, chỉ có một phía có quyền xử dụng, còn phía kia bị xử dụng, chứ không được xử dụng lại người chiếm hữu mình. Chỉ phía người nuôi ngựa xử dụng ngựa, cỡi ngựa, dùng ngựa kéo xe, v.v., chứ ngựa không xử dụng lại người, bắt người “có đi có lại mới toại lòng nhau”, để ngựa leo lên lưng người, người kéo xe cho ngựa ngồi! Do đó, giữa người và ngựa không có tình yêu. Cùng lắm, chỉ có lòng thương, thương xót con ngựa nhiều năm phục vụ mình. Tuy cùng là người, nhưng trong chế độ nô lệ, người nô lệ “không có quyền xử dụng lại người chiếm hữu mình”.
Trên giấy tờ, ngày
nay hết nô lệ. Nhưng trên thực
tế, còn nhiều nô lệ. Ai độc tài, thì người đó đang bắt kẻ khác nô lệ mình. Mình nhân danh tình yêu để hủy diệt tình yêu. Nhiều cha mẹ lạm dụng giáo dục để đẩy con vào vòng nô lệ sự độc đoán của mình. Vợ nô lệ chồng, cũng như chồng nô lệ vợ. Hàng ngàn người làm công nô lệ ông chủ, nhất là nô lệ bà chủ. Nhiều chuyện ghen tương xảy ra vì con người nghĩ sai lầm về liên hệ vợ chồng, quan niệm rằng vợ chồng là “của” nhau. Tôi xử dụng vợ thay cái máy thái thịt. Như vậy, vợ ngang hàng với cái máy thái thịt mà thôi. Thay vì mua máy để thái thịt thì tôi “mua” vợ để vợ làm cơm thịt hầu hạ tôi. Máy nằm gọn trong tay tôi, nên vợ cũng nằm gọn trong tay tôi. Tôi ra lệnh cho vợ như ra lệnh cho máy. Trái lại, nhiều người vợ cũng cư xử độc tài với chồng. Nếu không thì không có những chuyện hài hước về chồng sợ vợ.
Tình yêu vượt
lên trên sự chiếm hữu, vì tình yêu là
nhân vị, còn chiếm hữu là vật vô tri. Không kính trọng vật vô tri, mà chỉ săn sóc vật vô tri để mình xử dụng được lâu dài hơn, ít trở ngại hơn. Nghĩa là mình săn sóc vật vô tri vì ích lợi của mình, chứ không vì ích lợi của đồ vật đó. Đây là lý do có người bị chê cười khi lệ thuộc đồ vật, thí dụ săn sóc chiếc xe quá đáng. Sợ hư xe, để con cảm sốt mà không dám dùng xe để chở con khi trời mưa. Có người ngang nhiên tuyên bố: Cho mượn vợ chứ không cho mượn xe. Trong trường hợp này, vợ thua vật vô tri.
Có câu chuyện
vui, đó là một người chồng nghe
tin vợ lái chiếc xe mới mua, bị tai nạn, phải vào nhà thương. Anh tức tốc đến thăm, vừa khóc vừa hỏi: “Em tự mở cửa xe ra được hay phải phá cửa xe?” Vợ trả lời: “Em lái xe đến nhà thương”. Anh reo lên: “Nghĩa là chiếc xe không bị hư hại gì?” Như vậy, người chồng này quý xe hay quý vợ? Đến nhà thương vì thương vợ hay thương xe?
Ít bữa sau, hai vợ
chồng này đẩy con đi hội
chợ. Đến chỗ đông người, có nhiều trẻ con cũng ngồi trên xe đẩy. Anh đánh tráo, đẩy chiếc xe không phải con của mình. Vợ hoảng hốt bảo: “Sao anh đẩy con người khác?” Anh trợn mắt nói nhỏ: “Chiếc xe này mới hơn!” Như vậy anh muốn giữ con hay giữ chiếc xe đẩy con?
Cần kính trọng
nhau vì người này ngang hàng với
người kia về địa vị làm người. Tôi là người lao công, anh có quyền sai khiến, nhưng không thể khinh bỉ nhân vị của tôi, vì chúng ta cùng ngang hàng địa vị là người. Với tư cách “là người”, tôi có thể ngay thẳng, trong sạch, rộng lượng, v.v. Anh hơn tôi về vật chất, còn tôi hơn anh về lòng thương yêu đùm bọc nhau. Anh lạm dụng tôi, còn tôi che chở những người bị anh lạm dụng. Khi ghen, đa số không kính trọng nhau. Nghĩa là biến nhau thành đồ vật. Rồi cục súc với nhau như con vật. Ghen là ấu trĩ, non nớt, vì nếu mình coi người khác như đồ vật thì chính mình là đồ vật trước. Ai dìm người khác xuống là dìm chính mình.
Chị Thanh
cưới anh Toán 15 năm rồi, nhưng chị luôn
có mặc cảm là anh không yêu chị. Chị ghen, và ghen bệnh hoạn. Một đàng chị muốn chồng yêu chị; đàng khác, chị bắt bẻ chồng tớ mức dầu anh cố gắng yêu cũng không yêu nổi. Ngày mới cưới, chị nghi ngờ anh có tình nhân cũ. Mấy năm liền, hầu như ngày nào chị cũng hạch hỏi, điều tra xem trước khi lấy chị, anh hẹn hò với cô nào? Trong câu chuyện hàng ngày, nếu anh ấp úng, vụng về, thì chị kết tội vì tương tư người cũ, nên lú lẩn trí khôn. Nếu anh vui vẻ hoạt bát, chị lại kết tội là “đẹp trai, ăn nói có duyên”, dĩ nhiên nhiều cô mê. Tại sao không khai tên những cô đó ra? Lúc nào chị cũng có lý, còn anh vô lý. Sau này, khi đã có con, vì công việc làm, anh có nhiệm vụ giao tiếp với nhiều giới. Chị buộc anh phải bắt điện thoại song song, để ở nhà dầu anh nói chuyện với ai, chị đều có thể nghe được chuyện anh nói.
Có khi
chị Thanh nhận mình bị bệnh, nhưng lợi
dụng tình trạng bệnh này để hành hạ chồng hơn. Nghĩa là nếu chị sai lỗi, thì chị buộc anh phải tha thứ cho người bệnh. Còn nếu anh sai lỗi, thì chị kết tội anh có ẩn ý xấu, vì anh không bị bệnh như chị. Tức là chị luôn trắng án, còn anh lúc nào cũng có án treo. Chị yên lặng thì nhà êm đềm. Còn chị bới tội thì nhà inh ỏi như bị cháy. Mấy con lớn đều bỏ nhà lấy cớ đi học xa.
Trong công việc
làm ăn, anh Toán có nhiều
người thương mà cũng có nhiều người ganh tị. Những người ganh tị này biết tình trạng gia đình anh Toán căng thẳng, nên họ mượn tay vợ để hại chồng. Thật ra, họ hại cả hai vợ chồng và các con anh chị luôn. Họ rỉ tai chị Thanh rằng họ bắt được quả tang anh Toán ôm hôn người thơ ký trẻ đẹp. Từ hôm đó, chị Thanh hay bị nhức đầu, đau ngực. Trong giấc mơ ngủ đêm, chị hay ú ớ: “Mày là của tao ... Mày chết với tao”. Mấy bạn gái đến thăm, chị than van:
- Có ai có
chồng quỷ quyệt như Toán không? Em
thách đứa nào đụng đến Toán. Một là cả hai đều chết, hai là em hành hạ Toán đến không ngẩng đầu lên được thì thôi.
Cuối tuần
nọ anh Toán ngủ ngày. Chị Thanh
đến lay anh dậy:
- Nói, nói ngay.
Anh thương con nào mà giấu em?
Vì trong tuần
quá mệt mỏi nên anh ú ớ:
- Thương em.
Rồi anh
ngủ thiếp đi. Tưởng như vậy là êm, không
ngờ chị cuồng loạn vì ghen, miệng lẩm bẩm:
- Giết. Phải giết!
Chị vào bếp,
lấy con dao phay, cứa cổ anh. Chị
thanh toán anh vì ghen. Sau mấy tháng điều trị, may anh không chết. Toà án phán quyết chị phải vào nhà thương tâm trí lâu dài. Chị muốn có anh nên mất anh, và mất chính mình... |
Lm. Phêrô Chu Quang Minh S.J
(Gio-an Nguyễn Huy Hoàng sưu tầm)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét