CÂY VẢ KHÔNG TRÁI & Người Thợ Điêu Khắc.



Kính thưa Cộng đoàn.
Hội Thánh bước vào tuần Thánh. Ban Biên Tập Blog Thanh Bình kính chúc Cộng đoàn tuần Thánh sốt sắng, đẹp lòng Chúa để dọn lòng mừng Chúa Phục Sinh tràn đầy hồng ân Chúa. Kính mời Cộng đoàn xem lại hai truyện ngắn phù hợp với tâm tình tuần Thánh.

                                        CÂY VẢ KHÔNG TRÁI 

        Tôi sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, thật sự tôi không biết! Những chuyện thời thơ ấu của tôi nó xa xưa và rất mờ mịt.Tôi chỉ nhớ khi trưởng thành, tôi đã là một cây vả cao lớn lắm. Tôi mọc cạnh đường đi nhưng cũng sát ngay hàng rào khu đất của Thượng tế Cai-Pha, vì thế tuy tôi chỉ là một cây vả hoang, vô chủ, nhưng Thượng tế Cai-Pha nghiễm nhiên coi tôi thuộc quyền sở hữu của ông ấy dù chẳng bao giờ tôi được tưới tiêu, chăm bón.
         Nơi tôi sinh trưởng cũng hết sức đặc biệt, có thể nói rất ít cây vả nào được như tôi. Hàng ngày không biết có bao nhiêu lượt người qua lại đến ngồi nghỉ mát dưới chân tôi. Họ nói về đủ thứ chuyện, từ tầm phào cho đến cực kỳ sốt dẻo, ngay cả những chuyện kín đáo của trai gái trong những đêm hò hẹn.
         Tôi cứ sống ngang tàng và  bình an cho đến một ngày kia, cái ngày định mệnh! Một vị Thầy khả kính đi cùng với môn đệ mình đến nghỉ mát dưới chân tôi. Tôi nhận ra vị Rabbi này ngay khi nghe họ nói chuyện với nhau. Người ta đã từng bàn bạc nhiều về Người khi họ ngồi dưới chân tôi. Nói chung, tôi có thể tóm tắt về thân thế của Người: Đây là một vị Ngôn Sứ vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân Chúa, nhiều ý kiến còn mạnh dạn cho rằng Người là Đấng-Phải-Đến nữa.
         Người Thầy đáng kính ấy ngửa mặt nhìn tôi làm tôi chột dạ, đôi mắt mới hiền từ và uy nghiêm làm sao! Phải, hai thái cực cùng lúc hiện diện trong tia nhìn của người ấy, không chống đối nhau nhưng lại hài hòa đến tuyệt diệu, vừa uy nghiêm lại vừa hiền hậu! Người quan sát tôi một lúc rồi bất ngờ phán:
    - Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa.
        Một luồng điện cực mạnh chạy xuyên suốt thân thể tôi. Bây giờ thì tôi mới hiểu LỜI UY QUYỀN CỦA THIÊN CHÚA là thế nào! Nhựa sống đang chảy rừng rực trong tôi bỗng đông cứng lại. Trong cơn hấp hối, tôi bỗng nhiên như muốn nổi loạn, tôi oán hận Con Người này, con người bỗng dưng đem cái chết đến cho tôi, tôi đã từng nghe đồn đại nhiều về lòng nhân từ của Người, về cách đối xử khoan dung độ lượng của Người với tất cả tội nhân! Bỗng dưng sao Người lại xử với tôi như vậy? Tôi chẳng qua chỉ là không có trái, hoặc chưa có trái không chừng. Vậy ra Người không nhân từ! Vậy ra chỉ là lừa dối! Vậy ra câu Kinh Thánh viết về Người: "... Cây lau đã dập, Người không nỡ bẻ gãy..." cũng chỉ là hoang đường? Toàn thân tôi bắt đầu khô lại, trong khi lá của tôi héo rũ tức thì và rơi rụng ào ào xuống đất, tôi vẫn nghe tiếng các Môn đệ của Người xôn xao:
      - Kìa, cây vả đã héo khô..
     - Này, Người là ai vậy?
     - Lời gì mà uy quyền đến thế...?
        Trước khi tôi vĩnh viễn ra đi, chợt ánh mắt Người lại nhìn tôi lần nữa. Vẫn tia nhìn uy nghiêm mà hiền dịu, đúng lúc ấy tôi chợt xác tín mãnh liệt rằng tôi sẽ không chết. Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà tôi lại có được xác tín đó, chỉ biết rằng lòng tôi bỗng xúc động vô bờ, những tâm tình oán trách biến đâu mất. Một tình trạng an bình ngọt dịu chiếm lấy tâm hồn tôi. Tôi không biết tương lai mình sẽ ra sao nhưng tôi chắc rằng đôi mắt của Người từ nay sẽ khắc sâu vào tâm hồn tôi mãi mãi.
                                                            *
                                                       *        *
      Ngày hôm sau, anh Man-Khô, đầy tớ của Thượng tế Cai-Pha dắt chủ mình ra đứng ngắm nghía tôi, lúc đó tôi đã là một cây khô trơ trụi lá . Anh Man-Khô giải thích cho chủ mình lý do tôi phải chết khô. Vị Thượng Tế mím môi nghe đầy tớ nói, đôi mắt hung ác cũng nhìn tôi chằm chặp. Ôi, cũng là ánh mắt mà sao lần này tôi chỉ thấy rợn hết cả người dù rằng tôi là cây vả đã chết khô. Thượng Tế Cai-Pha cứ im lặng một hồi lâu, sau cùng ông hỏi:
    - Có thật hắn chỉ nói một lời mà cây vả của ta chết khô như thế này?
    - Vâng, thưa Ngài, quả thật ạ.
    Vị Thượng Tế quắc mắt nhìn Man-Khô. Anh này sợ hãi cúi đầu bước lùi lại. Tôi chợt thấy xấu hổ thay cho vị Thượng Tế. 
      "Cây vả của ta "! Rõ là đồ trơ tráo. tôi là của ông ấy từ bao giờ?
    - Ngươi đi gọi gã thợ mộc A-mết-ri-ô đến đây cho ta.
    - Vâng, thưa Ngài.
       Không hiểu vị Thượng Tế nói gì với anh thợ mộc, anh này liền đốn tôi ngã xuống và ra sức đẽo gọt. Cuối ngày hôm ấy, tôi đã trở thành một cây gỗ thẳng, dài và nhám thô, xấu xí. Người ta ném tôi vào nhà kho và quên lãng.
     Nằm hiu quạnh trong căn nhà tối tăm mà lòng tôi vẫn bừng sáng, tôi nhớ mãi ánh mắt cuối cùng của Rabbi. Tôi không biết tương lai tôi sẽ về đâu,  nhưng thật kỳ lạ, tôi thấy mình bình an lắm, như có một sức nhiệm vẫn sống dồi dào trong tấm thân khô nhám của tôi. Tôi vẫn đang sống. Đúng, rõ ràng ánh mắt của Người ban cho tôi sự sống kỳ diệu này. Tôi đã hiểu vì sao Người nỡ rủa tôi phải chết: Chỉ là để dạy các Môn đệ Người phải biết sống và qua các Ngài, dạy dỗ toàn thể nhân loại:  "Cây nào không sinh hoa kết quả sẽ bị  chặt và đốt đi ".
                                              *
                                         *         *
        Không biết tôi đã nằm đây được bao lâu. Một hôm, anh thợ mộc A-mết-ri-ô đến, gã lôi tôi ra khỏi nhà kho và cưa tôi thành hai đoạn: Một ngắn, một dài. Sau đó gã và Man-Khô, đầy tớ của Thượng Tế Cai-Pha, mỗi người một đoạn, cả hai vác tôi lên vai và đi. Đến nơi, họ quăng tôi xuống sân, ở đấy đang tụ tập đông người lắm. Tiếng hò hét, dứt lác om sòm. Khi đã định thần lại, tôi mới nhận ra Rabbi. Người đứng đó, giữa họ, tay bị trói và toàn thân tơi tả. Chắc người ta đã hành hạ Người dữ lắm nên mới ra nông nỗi này. Trên đầu Người, một vòng gai nhọn thay cho mão triều thiên cắm chặt, máu vẫn đang rỉ chảy ra. Đã không còn hình dạng Rabbi uy nghi như thuở nào! Có chăng chỉ còn đôi mắt. Vẫn uy nghi nhưng buồn! Người lặng lẽ nhìn tôi khiến tôi không cầm được giọt lệ. Chúng tôi chưa kịp đổi trao tâm sự thì đám đông đã xúm xít lôi Người đi, họ khiêng tôi đặt lên vai Người và cứ thế chúng tôi đi ra ngoài thành. Nằm trên vai Người, tôi ước mong có được phép mầu để biến mất trọng lượng cơ thể tôi đang đè nặng trên Người, nhưng tôi không thể!
       Con đường hình như cũng dài hơn ngày thường, Rabbi ngã xuống đứng lên cả thảy ba lần, và cả ba lần, vô tình tôi cũng về hùa với đám người hung ác khi giáng trọng lượng cơ thể mình trên thân xác đau thương của Người! Rabbi ơi, Người hiểu tôi không hề muốn!
       Rồi cũng đến được nơi cần đến. "Gôn-gô-tha", Cái-đồi-Sọ. Người ta xô Rabbi nằm ngửa trên tôi và bắt đầu lấy đinh sắt đóng dính Người vào tôi. Bây giờ thì tôi đã hiểu người ta dùng tôi vào việc gì! Bây giờ thì tôi đã hiểu định mệnh của tôi là gì! Lẫn trong tiếng búa sắt, tôi vẫn nghe tiếng sột của đinh sắt khi đi xuyên qua tay chân của Người. Tiếng kêu đau đớn của Người khi đinh
 sắt xuyên qua da thịt làm tôi muốn chết ngất. Thân thể Người run lên trong cơn đau. Ôi, Con Người đau khổ!
       Người ta dựng chúng tôi lên, phơi chúng tôi giữa trời trưa nắng gắt, máu của Rabbi vẫn tiếp tục chảy tràn trên tôi, thấm sâu vào những thớ gỗ của tôi. Thân thể Người nóng rừng rực trong cơn sốt vì mất máu. Chúng tôi cứ đứng thế, giờ này qua giờ khác, nhìn xuống đám người đáng thương đang làm cái công việc mà họ tưởng là công chính! Tôi nâng Người lên trên hai cánh tay giang rộng của mình, chúng tôi đứng hiên ngang giữa Trời và Đất, làm cây cầu nối kết giữa nhân loại và Thượng Đế. Tôi chợt thấy lòng trào dâng niềm biết ơn vô bờ vì đặc ân mà Người ban cho tôi. Tôi biết rằng từ nay tôi đã được đi vào vĩnh cửu cùng với Người. Người ta sẽ không còn gọi tôi là cây vả nữa. Trong cái hình hài mới của tôi, đáng lẽ tôi được gọi là cây khổ giá hay cây thập giá. Nhưng định mệnh của tôi đã được Người an bài: 
       Nhờ một lần Người đã nằm lên tôi, mà muôn đời tôi được gọi là cây Thánh Giá.
               
                                   ********************************
        
 “Nếu chỉ là một cây gỗ vô tri, nhờ một lần Con Thiên Chúa nằm lên, còn trở nên cây gỗ Thánh, phương chi là con người…..!”
                                            
                                                                       Giu-se  Nguyễn văn Sướng.
    Ghi chú: Có người sau khi đọc truyện này đã bảo tôi: "Anh ơi, hóa ra đến giờ em mới biết gỗ Thánh giá làm bằng cây vả!" Xin lưu ý, đây chỉ là câu chuyện hư cấu dựa vào chút ít tình tiết trong Phúc âm, KHÔNG PHẢI LÀ THẬT ĐÂU. Xin cảm ơn.
                                     
 
                           Người Thợ Điêu Khắc.

      Ông sống tận cuối làng, cô đơn và khó tính. Không giao du qua lại với ai. Ngày lại ngày, có việc thì cặm cụi đục đẽo, không việc thì lúi húi chăm sóc miếng vườn nhỏ, trồng dăm bụi sắn, vài luống rau và ít bụi hoa. Người trong làng thỉnh thoảng ghé đến nhưng thấy bản tính ông ghẻ lạnh nên cũng chẳng ai muốn chơi. Nguồn thu nhập chính của ông là khắc tượng gỗ. Danh tiếng ông khá lẫy lừng , nhiều ngôi chùa ở những nơi xa tìm ông để đặt hàng. Từ những bức tượng Phật Thích Ca uy nghi, to lớn cho đến những pho tượng chỉ bằng nắm tay, ông đều nhận cả .
      Một ngày kia có vị Linh Mục đến đặt hàng làm ông ngỡ ngàng. Đây là lần đầu tiên trong đời điêu khắc của ông có một “ông Cha” giao tiếp với ông, Thứ đến là loại hàng này ông chưa từng bao giờ thử qua!
      Ông Cha này rất điềm đạm và bình dân, cho ông một cảm giác gần gũi, thân thiện. Hàng đặt là một tượng Thánh Giá cao tới hai mét rưỡi và chiều ngang một mét chín, nằm trên Thánh Giá này là tượng Chúa Giê-Su cao một mét bảy.
      - Nhưng thưa ông, Chúa Giê-Su là ai, tôi không biết rõ, làm sao tôi có thể khắc đúng như ông đòi hỏi?
     Vị Linh Mục thoáng ngẩn người, ông mau chóng lục chiếc cặp đang mang theo người, lấy ra một bức ảnh chịu nạn đưa cho người thợ, ông này cầm lấy ngắm nghía với cặp mắt nhà nghề, giọng đầy phân vân:
    -Thú thật với ông, tôi chưa từng khắc tượng…Chúa! Từ trước đến nay tôi chỉ khắc tượng Phật, tượng Thần. Đối với Chúa, tôi cảm thấy xa lạ lắm. Ông có cái gì về Chúa nữa không để tôi nghiên cứu thêm, chứ bức ảnh này tôi e chưa đủ để giúp tôi có thể lột tả được cái Thần. Ông biết đấy, tôi đặt cao lương tâm nghề nghiệp…
       Vị Linh Mục nhìn ông thợ điêu khắc đầy thiện cảm, ông trao cho người thợ một cuốn sách:
      - Đây là cuốn Kinh Thánh của Đạo chúng tôi, hy vọng ông sẽ biết đầy đủ về Ngài.
                                         *
                                      *     *
       Suốt cả tháng trời, ông thợ miệt mài đọc kỹ cuốn Thánh Kinh  và ngắm nghía bức ảnh chịu nạn. Không giống vẻ oai nghiêm của các tượng Thần ông từng khắc, cũng không có vẻ an nhiên tự tại của tượng Phật với những đường nét bệ vệ, tròn trĩnh. Tượng Chúa là những lồi lõm của một người gầy gầy, với những thương tích khắp người, một người trần truồng để lộ ra những xương sườn và cái bụng lép kẹp, nhất là gương mặt hốc hác, đau đớn của người chịu khổ hình. Một gương mặt đang trong tư thế ngước lên mà ánh mắt vừa chịu đựng lại vừa khẩn khoản, đầy tin tưởng và hiền lành, không thấy có chút nào của sự oán trách, thù hận!
       Ông cứ vừa nghiền ngẫm vừa dò dẫm chạm khắc, ngày làm đêm nghiên cứu. Ngay cả trong giấc mơ ông cũng thấy gương mặt Người Chịu Nạn bê bết mồ hôi và máu, những thớ thịt co giật trong
cơn đau đớn, đôi môi khô nứt tím tái hẳn đi. hai cánh mũi phập phồng trong cơn khó thở!
       Ngày qua ngày, ông làm việc miệt mài nhưng rất chậm. Đôi chân xương xẩu xếp chồng lên nhau của Người Chịu Nạn, bị đóng dính vào Thập Giá tương đối dễ khắc. Lồng ngực bức tượng nhô cao hiển lộ toàn bộ xương sườn như đang cố hớp lấy không khí
khiến cho phần bụng thót lại làm ông thấy  khó khắc  hơn! Ngay cả hai bàn tay với những ngón gầy guộc co quắp khiến những sợi gân căng trên cổ tay cũng khiến ông hình dung được sự đau đớn của Người Chịu Nạn! Hình như không có vị Giáo Chủ của Đạo nào lại khốn khổ như Vị này! Hầu hết các vị đều được vinh quang ngay khi tại thế, Đạo của các vị ấy cũng được truyền bá dễ dàng chứ không bị bách hại như Đạo này!
       Mỗi nhát đục ông đều đắn đo cẩn thận. Độ khó của bức tượng kích thích ông mãnh liệt. Ông say mê làm việc như chưa bao giờ ông say mê đến thế! Thỉnh thoảng, ông dừng tay, giở Kinh Thánh ra nghiền ngẫm về Con-Người-Trên-Thánh-Giá. Cứ như trong sách ghi chép lại thì Con Người này có lẽ là Chúa thật rồi! Ông ta làm phép lạ mà chẳng tốn một tí hơi sức nào cả! Chỉ một Lời, thế là thành sự! Như thể ông ta là chủ tể của vũ trụ, là Ông Trời vậy!
        Hình như các vị Giáo chủ khác không làm phép lạ nào thì phải? Các Ngài chỉ dạy dỗ thôi, mà ông này thì dạy dỗ như kẻ có quyền thật sự! Cái điệp khúc “Phần Ta, Ta bảo các ngươi…” cứ lặp lại mãi. Mà những Lời dạy bảo của Người mới cao đẹp, mới  thánh thiện làm sao!
       Mỗi ngày qua, tác phẩm dần lộ hình, thì trong lòng ông thợ lại càng xốn xang, khắc khoải. Có một điều gì đó làm ông băn khoăn. Ông thường hay bỏ dở công việc để đi thăm một người trong làng bị đau ốm, có khi ông nghỉ nguyên một buổi để đi đưa đám một người chết chẳng liên hệ gì với ông! Những đồng tiền làm ra được ông cất kỹ, nay cũng cạn dần theo những lần ông âm thầm đến nhà này, nhà nọ. Dân làng cũng thấy được sự thay đổi này, họ xầm xì bàn tán đủ điều về ông, có người còn độc miệng cho rằng ông đốc chết (*), nhưng nhìn chung, họ dần có cảm tình với ông.
      Giai đoạn khó khăn nhất cuối cùng cũng đến: Đó là gương mặt Người Chịu Nạn. Ông đã bỏ nguyên hai ngày để đọc kỹ lại cuộc khổ nạn của Chúa Giê-Su trong cả bốn quyển Tin Mừng. So sánh, đối chiếu cả bốn quyển để tìm ra những điểm chung, điểm riêng, những nét đặc trưng khả dĩ giúp ông hình dung ra sự khốc liệt của cuộc hành hình mà Chúa Giê-Su phải chịu. Ông mường tượng ra những cơn đau khiến gương mặt co giật. Răng nghiến lại? Ừ, có thể nào răng nghiến lại khi cơn đau cùng cực không? Miệng có bị méo đi không? Còn mắt? Mắt nhắm nghiền hay trợn trừng hoặc lạc thần vì quá sức chịu đựng? Mồ hôi và máu thì dĩ nhiên rồi!  Một gương mặt đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn. Tâm hồn dĩ nhiên đau đớn lắm khi Người thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” mà tâm hồn này cũng tin tưởng và bình an vì Người đã kêu lên: “Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Một gương mặt tội nhân mà sáng chói sự thánh thiện khi Người nguyện rằng: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Một gương mặt hài hòa bao nhiêu là trạng thái mà ông phải cô đọng lại!
      Từng nhát đục ông gọt đẽo trong hồn ông, tượng hình dần trên thân gỗ. Gương mặt Chúa Giê-Su đau đớn với đôi mắt mở lớn đang ngước lên trời trong tâm tình phó thác vâng phục. Phải rồi, Người đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá đang khi Người uy quyền phép tắc đến thế! Ai làm gì được Người nếu không phải chính Người tự nguyện chết thay cho nhân loại? Gương mặt Chúa Giê-Su thánh thiện và khả ái làm ông hài lòng mặc dù mấy hôm nay một cơn đau cứ nhoi nhói trong ngực ông.
      Khi ông dừng nhát đục cuối cùng thì ánh sáng cuối ngày cũng vừa lịm tắt. Ông vui sướng cố dựng Thánh Giá gỗ nặng nề lên cho dựa vào tường rồi mệt mỏi lê bước vào giường. Đặt mình nằm xuống, ông thiếp đi rất nhanh, không hề mộng mị.
                                         *
                                       *     *
      Tiếng gà gáy sáng làm ông choàng tỉnh giấc, toàn thân khoan khoái sau một giấc ngủ dài làm ông có cảm giác trở lại thuở đôi mươi. Bên ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối nhưng nơi cửa ra vào ánh sáng lại huy hoàng làm ông ngạc nhiên. Ông chợt nhớ ra chiều qua mình đã ngủ như chết, không tắm rửa, không ăn uống và không cả đóng cửa!
      Ông bước xuống giường đi ra cửa và bất chợt khựng lại vì trong sân đang chói loà toàn ánh sáng, một thứ ánh sáng mà ông chưa từng thấy, chính ánh sáng này đã chiếu sáng cửa lớn nhà ông. Toàn thân ông thấm đẫm thứ ánh sáng huyền diệu này. Một niềm hạnh phúc ngọt ngào dâng ngập hồn ông, trong mơ hồ ông nhận
ra thân thể mình bỗng nhẹ tênh, ánh sáng đưa ông bay lên cao, lên cao mãi…
                                           *
                                        *    *
       Phải đến hai ngày sau dân làng mới phát giác ra ông đã chết dưới chân cây Thánh Giá mà ông vừa hoàn thành, trong tư thế nửa ngồi nửa quỳ, mặt ngước lên và tay ôm chặt chân tượng Thánh Giá.
    
                              **************************
                                                 Giu-Se Nguyễn Văn Sướng.

(*) đốc chết: Điềm gở, báo sự chết gần tới.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét